Sinh ra và lớn lên ở làng nghề mộc Chợ Thủ, giống như bao thanh niên khác ở địa phương, anh chọn học nghề chạm khắc gỗ. Nghề này nói khó không khó, nói dễ không dễ. Người có năng khiếu sẽ học nhanh hơn, còn người “tay ngang”, quan trọng nhất là phải kiên trì. Chỉ khi kiên trì, người học mới không chán, học từ các bước cơ bản đến nâng cao, làm lần đầu chưa được tiếp tục làm lần nữa. Cứ như vậy, khi có hứng thú sẽ chắp cánh sáng tạo, thực hiện nhiều mẫu mã, đường nét chạm khắc trên gỗ tinh xảo hơn. Lúc này, người học nghề coi như thạo việc, có thể đi làm công nhân tại cơ sở trong và ngoài địa phương, hoặc làm thêm vài năm tích lũy kinh nghiệm, vốn để mở cơ sở cho riêng mình.
Ngay cả bản thân anh Sức cũng vậy. 3 năm đầu học nghề là khoảng thời gian làm “thí công” (làm không lấy lương) cho cơ sở, nên anh rất dễ chán nản, đôi lần muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ được gia đình động viên, anh Sức tiếp tục theo đuổi nghề, không ngừng cố gắng để học tập, trau dồi tay nghề của mình.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng cho anh Sức
Những ngày đi làm thuê, anh Sức ấp ủ ước mơ có được xưởng chạm khắc gỗ riêng cho mình. Vậy rồi, sau hơn 10 năm làm thuê tích cóp, anh quyết định mở cơ sở chạm khắc mộc tại nhà, tự tin nhận gia công sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. “Lúc đầu, do mới mở cơ sở, thấy máy móc chạm khắc, tôi ham lắm, nhưng chưa có nhiều vốn đầu tư. Bởi vậy, tất cả công đoạn chủ yếu làm bằng tay. Để hoàn thành 1 sản phẩm tốn nhiều thời gian, công sức, giá cả cũng khó cạnh tranh hơn” - anh Sức chia sẻ.
Khi mở cơ sở chạm khắc gỗ, anh Sức chủ động kết nối với thợ mộc, thợ sơn… để có thể nhận thầu cho công trình nhà, biệt thự. Làm ăn thiệt tình, tay nghề chạm khắc đẹp, luôn có ý tưởng mới, độc đáo để tư vấn khách hàng, nên chỉ sau thời gian, cơ sở của anh Sức được biết đến, mối cũ, khách mới bắt đầu liên hệ nhiều hơn. Khách hàng tăng, khối lượng sản phẩm phải giao nhiều hơn. Anh Sức quyết định đầu tư máy chạm phẳng. Từ 1 máy, anh đầu tư thêm 2 máy, giờ cơ sở đã có được 3 máy chạm phẳng, đáp ứng nhu cầu, thời gian giao hàng cho khách.
Trước đó, anh Sức còn được làng nghề mộc Chợ Thủ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy chạm khắc tượng CNC 4D, mỗi lần hoạt động có thể tạo ra 6 tượng giống nhau. “Máy chạm khắc tượng trên 400 triệu đồng, may mắn được làng nghề hỗ trợ 200 triệu đồng, tôi quyết định đi vay, mượn thêm để mạnh dạn đầu tư phát triển. Thời buổi này, thị trường rất cần sản phẩm đẹp, chất lượng, mà lại nhanh. Chỉ có khi đầu tư máy móc cùng với tay nghề thợ sẵn có, sản phẩm sẽ đầy đủ độ tỉ mỉ, chuyên nghiệp, khách hàng mới hài lòng” - anh Sức bày tỏ.
Nói là chạm khắc bằng máy, tuy nhiên với bất cứ sản phẩm nào cũng vậy, khi máy xong việc cũng là lúc cần đến đôi bàn tay của người thợ. Anh Sức cho biết, đúng là máy được lập trình sẵn, theo mẫu mã thiết kế từ trước. Nhưng muốn sắc nét, đẹp và tinh xảo hơn, vẫn cần người thợ chỉnh sửa, trau chuốt lại. Chỉ như vậy, mới có được tác phẩm hoàn thiện, an tâm giao cho khách hàng. Anh Sức khẳng định: “Đối với tôi, khách hàng tin tưởng đặt hàng của mình thì khi giao sản phẩm cho khách phải hoàn chỉnh, làm cho khách ưng bụng mới thôi”.
Anh Sức chọn phân khúc thị trường với những sản phẩm cao cấp, nhận đơn đặt hàng chạm khắc cho khách hàng cá nhân, như nhà riêng, biệt thự... Đối với khách hàng này, yêu cầu của họ rất cao về chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, nếu làm tốt, đẹp, chỉn chu, cơ sở sẽ càng mở rộng tiềm năng vì được giới thiệu, nhiều người biết đến. Hiện nay, cơ sở của anh Sức giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, đây cũng là thợ chính để nhận công trình. Thời gian qua, khách hàng của anh Sức không chỉ ở địa phương mà còn đến từ các tỉnh, thành phố lân cận như Kiên Giang, Cần Thơ… Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh khá hơn lúc trước rất nhiều.
Đã từng có ý nghĩ rời bỏ quê hương để đi tỉnh, thành phố khác làm công nhân, rồi anh Sức quyết định gắn bó với quê hương, đem nghề truyền thống của địa phương vươn xa, khẳng định chất lượng, thương hiệu lâu đời. Đối với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp thì việc chọn đúng hướng đi, kiên trì theo đuổi đam mê, thay đổi, thích ứng với thị trường, khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm thì con đường thành công sẽ không xa.
ÁNH NGUYÊN