Khơi thông thị trường cho ngành cơ khí

06/01/2021 - 09:47

Vốn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn, nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách tồn tại. Một trong những điểm nghẽn chính là thiếu thị trường sản phẩm đầu ra. Vì vậy, các DN cơ khí đang rất cần những chính sách giúp khơi thông thị trường, nhất là thị trường trong nước để tạo điều kiện phát triển tốt, bền vững hơn trong thời gian tới.

Tạo đơn hàng cho doanh nghiệp

Việt Nam đang đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng từ năng lượng, giao thông, xây dựng đến y tế, giáo dục,… Hàng loạt những công trình như các cảng hàng không, đường sắt nội đô, đường sắt cao tốc hay các nhà máy điện chắc chắn sẽ tiếp tục được xây dựng mới và đây cũng là thị trường rất tiềm năng cho ngành cơ khí. Tuy nhiên, thực tế để tham gia vào các dự án này cũng không hề đơn giản đối với các DN cơ khí. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit Nguyễn Dương Hiệu chia sẻ, để được tham gia cung ứng ốc vít cho dự án Ðường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, Lidovit đã phải "đi đường vòng" bằng cách trở thành thầu phụ cho một doanh nghiệp Nhật Bản. Ngay cả với những dự án đầu tư trong nước, DN cơ khí nội vẫn phải loay hoay tìm kiếm cơ hội, cho thấy mức khó khăn thế nào.

Công nhân Công ty Cơ khí Ðông Anh vận hành dây chuyền sản xuất. Ảnh: Thanh Lâm

Trường hợp của Lidovit không phải là cá biệt. Theo phản ánh của nhiều DN, những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu hiện nay khiến DN cơ khí Việt Nam khó có thể tham gia trực tiếp vào các dự án, công trình trong nước và lép vế ngay trên "sân nhà". Các chính sách phát triển thị trường chưa rõ ràng, không có những yêu cầu bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa trong công trình, dự án cho nên thị trường nội địa không được bảo vệ và để nhiều đối tác nước ngoài lấn sân. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Ðào Phan Long nhấn mạnh, bất kỳ ngành sản xuất nào không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa đều khó có thể phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, muốn tạo nội lực thực chất cho ngành cơ khí, các chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ thị trường nội địa là cần thiết và mang tính quyết định. Họ luôn chủ động đặt hàng các DN cơ khí thực hiện các gói thầu. Và khi DN có đơn hàng thường xuyên, sẽ có điều kiện tái đầu tư vào máy móc và công nghệ mới, nhờ đó tiếp tục phát triển bền vững. Thực tế nhiều năm qua Việt Nam chưa làm tốt việc này cho các DN cơ khí. Thời gian tới, nhiều hạ tầng từ năng lượng, giao thông, xây dựng cho đến nông nghiệp, y tế hay bảo vệ môi trường,... sẽ tiếp tục được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Và khi đó, Chính phủ cần quy định rõ, chi tiết hơn những hạng mục, phần việc để các đơn vị cơ khí có thể tham gia, mở cơ chế đấu thầu trong nước cho những DN có uy tín và kinh nghiệm thực hiện những gói thầu, thiết bị trong các dự án sử dụng vốn ngân sách, từ đó tạo điều kiện, đơn hàng cho các DN nội địa tham gia sâu hơn vào các dự án đầu tư công. "Có thể nói, để phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, ngoài nỗ lực của các DN phải tự vươn lên, nhất thiết cần có cả "bàn tay hỗ trợ" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định như các nước trên thế giới đã và đang thực hiện", ông Ðào Phan Long nhấn mạnh.

Thêm nhiều cơ chế hỗ trợ

Trong quá trình tham vấn, góp ý cho dự thảo Nghị định phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm đang được Bộ Công thương soạn thảo, đại diện các DN đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất cơ khí hiện nay. Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền nam Vũ Văn Ðảo chia sẻ, công ty đang xem xét lời đề nghị nhận vốn vay ưu đãi từ một tập đoàn của Ðức để đầu tư máy móc, sản xuất các sản phẩm cơ khí xuất khẩu sang Mỹ. Tập đoàn của Ðức sẽ bao tiêu toàn bộ đầu ra và phần vốn vay sẽ được trả dần bằng sản phẩm. Trước đó, công ty cũng đã thực hiện hợp đồng tương tự với một công ty của Na Uy. Kết quả, chỉ sau hai năm, công ty đã trả xong phần vốn vay và chính thức sở hữu hoàn toàn một nhà xưởng với máy móc, công nghệ hiện đại. "Nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các DN cơ khí theo cách nêu trên thông qua việc cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ", ông Ðảo phân tích thêm.

Ðại diện Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đề xuất, Nhà nước cần có các quy định khuyến khích các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất, lắp ráp ô-tô sử dụng nguồn cung nguyên, phụ liệu nội địa. Cụ thể, có thể giảm thuế thu nhập DN theo tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Ðơn cử sản xuất, lắp ráp ô-tô có tỷ lệ nội địa hóa 30% thì thuế thu nhập DN cũng được giảm tương ứng 30%. Bên cạnh đó, sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng, vật tư để sản xuất các bộ linh kiện, phụ tùng ô-tô cho DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo hướng giảm xuống còn từ 0 đến 5%.

Góp ý về giải pháp phát triển CNHT cho ngành cơ khí, ông Ðào Phan Long cho rằng, CNHT của sản xuất cơ khí không chỉ là sản xuất ra hàng loạt các chi tiết máy, các cụm, bộ phận của máy,… như cách hiểu hiện nay. Những công nghệ lõi như tạo phôi đúc, rèn, dập, nhiệt luyện, chế tạo khuôn mẫu chất lượng cao để cung ứng cho các DN cơ khí khác mới chính là mảng CNHT quan trọng cho sản xuất cơ khí. Do đó, cần xem xét bổ sung các sản phẩm này vào danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển của ngành cơ khí chế tạo. Còn nếu chỉ dừng ở mức khuyến khích sản xuất nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng,… như hiện nay, DN cơ khí Việt Nam sẽ không bao giờ làm chủ được các công nghệ cơ bản trong sản xuất.

Theo NGUYỆT BẮC (Báo Nhân Dân)