Theo ông Hùng, năm 1974, cha, mẹ ông mua 56m2 đất lô số 13 chợ Bình Long (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) của vợ, chồng ông Lâm Thanh Nguyên, bà Nguyễn Ngọc Sương để xây nhà ở. Việc mua đất, xây nhà (có số nhà hẳn hoi) có giấy tờ hợp pháp do chính quyền chế độ cũ cấp, hiện gia đình còn lưu giữ. Lúc bấy giờ, căn nhà nằm phía trước hàng rào của Công an huyện Châu Phú. Đến cuối năm 1976, do trụ sở Công an huyện xây dựng, ông Ba Dol (Trưởng Công an huyện Châu Phú) cho cán bộ, chiến sĩ đóng quân trước sân và 1 phần căn nhà của gia đình ông.
“Trong thời gian này, một mình mẹ tôi nuôi 4 đứa con nhỏ. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong việc đi lại, nên mẹ con tôi cùng nhau về ở nhờ nhà người bà con ở ấp Long Bình, xã Long Điền A (Chợ Mới) chờ họ xây xong mới trở về nhà. Nhưng khi trụ sở Công an huyện xây xong, nhà của gia đình tôi bị lọt vào bên trong tường rào của Công an huyện, gia đình tôi không vào ở được. Cha, mẹ tôi nhiều lần gửi đơn và trực tiếp gặp Trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú để xin lại căn nhà, nhưng không được giải quyết. Từ năm 1987, gia đình tôi tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan, ban, ngành chức năng cấp huyện, tỉnh nhờ can thiệp, xem xét, giải quyết trả lại nhà hoặc bồi thường phần đất cho gia đình tôi. Rất nhiều cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn, nhưng không có ý kiến giải quyết hay phản hồi cụ thể vụ việc này. Trong khi đó, vào những năm 1987, 1988, UBND xã Long Điền A có nhiều công văn gửi cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh xem xét kiến nghị xin lại nhà của cha tôi. Cha, mẹ tôi đã già yếu, vẫn còn phải đi ở nhờ nhà người khác, rất vất vả” - ông Hùng trình bày.
Ông Hùng trình bày vụ việc
Cũng theo ông Hùng một trường hợp tương tự: căn nhà tại lô số 14 (đối diện nhà ông) cũng bị lọt vào bên trong tường rào Công an huyện nhưng được Công an huyện trả lại. Do vậy, ông Hùng cho rằng, việc căn nhà vẫn bị sử dụng là bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình ông. Ông Hùng đề nghị chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Thái Hùng, qua rà soát nội dung vụ việc, UBND tỉnh đã có ý kiến giải quyết. Theo đó, căn nhà ông Nguyễn Thái Hùng đề nghị xin lại đã được Nhà nước quản lý, bố trí cho Công an huyện Châu Phú sử dụng làm nhà kho chứa hồ sơ (do Công an tỉnh An Giang xây dựng), đưa vào sử dụng từ năm 1977. UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 317/QĐ-UB ngày 30-5-1994, với tổng diện tích 6.160m2. Công an huyện Châu Phú đã có tường rào phân ranh mốc với các hộ dân lân cận và sử dụng ổn định từ năm 1977 đến nay.
Theo Quyết định số 111/CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ, nhà, đất của những người làm việc trong bộ máy cai trị của chính quyền Mỹ ngụy từ Ty phó, Quận phó trở lên ở các cơ quan địa phương, đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Quyết định số 297/QĐ-CT ngày 2-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định: nhà ở do Nhà nước quản lý, sử dụng theo chính sách cải tạo về nhà ở, bao gồm toàn bộ nhà ở đã có hoặc chưa có quyết định quản lý của UBND cấp có thẩm quyền nhưng đã bố trí sử dụng, là nhà ở thuộc diện sở hữu Nhà nước. Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội quy định: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất. Do đó, việc yêu cầu giải quyết trả lại hoặc bồi thường nhà, đất của gia đình ông Hùng là không có cơ sở để xem xét.
Bài, ảnh: K.N