Không có cơ sở hỗ trợ tai nạn lao động cho ông Phan Văn Hẹn

18/07/2019 - 07:44

 - Ông Phan Văn Hẹn (sinh năm 1949, ngụ tổ 16, ấp An Thái, xã Hòa Bình, Chợ Mới) yêu cầu ngành chức năng cho ông được hưởng chế độ sau khi bị tai nạn lao động từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Phản ánh sự việc đến Báo An Giang, ông Phan Văn Hẹn trình bày: “Đầu năm 1978, tôi được Ty Giao thông vận tải tỉnh An Giang nhận vào làm việc, phân công ở Công ty Công trình cầu đường. Lúc đó, ông Huỳnh Ngọc Của làm Giám thị cầu đường là người trực tiếp quản lý tôi. Năm 1981, trong lúc đang giặm vá ở một đoạn đường bị hư ở huyện Châu Thành, tôi bị một viên đá nhỏ văng vào mắt phải. Tôi báo cáo vụ việc đến nhiều người, trong đó có ông Của. Do bất ngờ bị tai nạn, tôi cố đi chữa chạy ở nhiều nơi, nhưng vẫn không hiệu quả. Sau đó, không thể lao động được, tôi buộc nghỉ việc vào cuối năm 1981. Dù gia cảnh nghèo khó nhưng tôi vẫn tiếp tục lo tiền chữa trị. Chỉ có điều, bệnh không thuyên giảm, mắt trái bị đau nhức, dần dà phải chịu cảnh mù lòa. Từ lúc tôi bị tai nạn đến nay, vợ chồng tôi đã nhiều lần đến đơn vị cũ, những nơi có thẩm quyền yêu cầu được hưởng chế độ tai nạn lao động trong lúc làm nhiệm vụ, có xác nhận của ông Huỳnh Ngọc Của. Họ hứa hẹn sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhưng cuối cùng trả lời là không có cơ sở xem xét giải quyết”.

Ông Phan Văn Hẹn và vợ

Nói về sự cố của chồng, bà Trần Thị Phấn than thở: “Khi bị tai nạn, chồng tôi buộc phải nghỉ làm. Tài sản vốn ít ỏi lần lượt bị đem bán, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Vợ chồng tôi có 2 con, lập gia đình rồi nhưng đều nghèo khó. May nhờ con gái có chồng ở gần lo lắng, giúp đỡ phần nào nên gia đình tạm lây lất được. Trước đây, nhà tôi là hộ nghèo, sau rồi cận nghèo và nay địa phương cho rằng đã thoát nghèo, không cấp sổ nữa. Hàng ngày tôi cố gắng nứt được khoảng 10 cái nón lá, kiếm được 20.000 đồng để nuôi sống gia đình. Căn nhà hiện đang ở là cất nhờ trên phần đất của người em chồng đang khó khăn, cũng bị bệnh như chồng tôi. Không biết tới đây, người em lấy lại đất để xử lý thì không biết vợ chồng tôi phải ở đâu”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp An Thái Võ Văn Bừng cho biết: “Ông Phan Văn Hẹn khẳng định bị thương tích do làm việc, đôi mắt bị hư đã chữa trị nhưng không hiệu quả. Ông khiếu nại từ lâu, nhiều lần và được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Trước đây, ông là hộ nghèo, sau nhờ con ở trong nhà làm ăn khá lên, nên gia đình đã thoát nghèo. Nay ông nói gặp khó khăn, nếu báo sự việc đến Ban Nhân dân ấp, chúng tôi sẽ vận động, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho ông. Còn việc nói đang ở tạm trên đất của người em, ông có thể nhờ 2 con hỗ trợ, giúp đỡ sang nhượng phần đất. Sau đó, chúng tôi sẽ báo sự việc về trên, vận động, hỗ trợ nguồn vật chất cất nhà Tình thương cho gia đình ông”. UBND xã Hòa Bình cho biết: “Việc ông Phan Văn Hẹn khiếu nại yêu cầu xin được hưởng chế độ bị tai nạn lao động do làm việc công đã được xem xét, giải quyết từ lâu. Hiện nay, ông và người em trai được hưởng chế độ khuyết tật số tiền 505.000 đồng/tháng. Hộ ông Hẹn đã thoát nghèo khá lâu, nếu hiện nay gặp khó khăn, ông cứ báo sự việc, địa phương sẽ xem xét hỗ trợ theo quy định”.

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Ngọc Khiêm thông tin: “Ngày 21-5, đơn vị nhận đơn xin cứu xét của ông Phan Văn Hẹn. Ông xin được hỗ trợ tai nạn lao động vì bị thương tích ở mắt phải, nay đã mù. Ông là công nhân của Công ty Cầu đường - Ty Giao thông vận tải vào năm 1978. Qua xem xét cho thấy, việc của ông xảy ra đã quá lâu. Hiện nay, vụ việc của ông không có cơ sở, quy định xem xét giải quyết về hỗ trợ tai nạn lao động để bảo vệ quyền lợi cho đương sự”.

Bài, ảnh: N.R