Không có việc địa phương từ chối hòa giải

21/11/2019 - 07:29

 - Ông Trương Văn Quới (sinh năm 1976, ấp Hòa Thịnh, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) làm đơn khiếu nại UBND xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) gây khó khăn, không thực hiện hòa giải việc ông đòi phần đất ông bà để lại, bị chiếm dụng trái phép.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Trương Văn Quới cho biết, phần đất 4.500m2 gắn liền căn nhà (12mx25m) ấp Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng) là của ông, bà nội đương sự (ông Trương Văn Mới, bà Hồ Thị Mừng) để lại. Sau ngày ông Mới, bà Mừng chết, cha ông và các cô, chú giao phần đất cho vợ chồng ông Trương Văn Đài (sinh năm 1975, con nuôi cha ông) tạm quản lý, được sử dụng hoa lợi, còn ngôi nhà để làm phủ thờ của dòng họ. Tuy nhiên, đến năm 2018, ông Đài cùng người vợ (Đặng Thị Ngọc Quyên) giả mạo chữ ký của nhiều người và được cấp quyền sử dụng hết phần đất của nhiều người hưởng thừa kế theo pháp luật. Phát hiện việc này, cha ông (Trương Văn Y, sinh năm 1937), cô và 3 người chú ủy quyền đương sự khiếu nại yêu cầu hủy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

“Theo giấy ủy quyền, ngày 25-10-2017, tôi đến UBND xã Mỹ Hòa Hưng trình bày sự việc, yêu cầu được hòa giải làm rõ việc cấp GCNQSDĐ trái phép. Nhưng địa phương gây khó khăn, yêu cầu tôi phải cung cấp nhiều chứng cứ, cơ sở, thủ tục rất khó thực hiện. Đến ngày 12-9-2019, gia đình tôi và các hộ hưởng thừa kế làm giấy cam kết không bỏ sót người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, xin UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho đối chứng, hòa giải, làm cơ sở để chúng tôi khởi kiện vụ việc đến tòa án. Tuy nhiên, tôi liên lạc, tiếp tục gửi đơn nhiều lần yêu cầu hòa giải nhưng địa phương không xem xét giải quyết, chỉ trả lời chung chung, kéo dài sự việc” - ông Trương Văn Quới bức xúc.

Ông Trương Văn Quới trình bày sự việc

Ông Trương Văn Quới trình bày sự việc

Ông Trương Văn Đài cho biết, lúc mới 6 tháng tuổi ông được người cha (Trương Văn Y) giao cho ông, bà nội nuôi nấng, chăm sóc. Về việc ông là con nuôi hay con ruột, khi còn sống ông, bà nội chỉ nói chung chung. Tuy nhiên, dù là cháu nhưng vợ chồng ông coi ông, bà nội như cha mẹ ruột do sống gắn bó đã 43 năm. Mọi việc trước sau trong nhà, chăm lo bệnh tật của ông, bà nội ông (86, 87 tuổi qua đời) đều do vợ chồng ông lo liệu. Trước ngày ông, bà nội từ trần nói phần đất ông đang ở sẽ giao hết cho vợ chồng ông và sau đó đã làm tờ di chúc để lại. Đến năm 2018, vợ chồng ông đăng ký và được cấp GCNQSDĐ. “Dù anh Đài là cháu nội nhưng ở đây ai cũng coi anh là con ruột của ông, bà nội, bởi anh gắn bó, chăm lo tất cả. Khi ông bà bị bệnh nằm một chỗ, gần như các chú, cô chỉ hỏi thăm, còn chuyện bồng, ẵm, lo vệ sinh cá nhân của người già đều do vợ chồng tôi đảm trách. Với việc chúng tôi được cấp GCNQSDĐ đã thực hiện công khai, minh bạch, không có việc giả mạo chữ ký của ai cả” - bà Đặng Thị Ngọc Quyên bộc bạch.

Trả lời việc này, đại diện UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Trước đây, ông Trương Văn Quới có đến địa phương khiếu nại việc địa phương làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Trương Văn Đài. Chúng tôi đã hướng dẫn đương sự xác định về số người trong hàng thừa kế thứ nhất của ông Trương Văn Mới, bà Hồ Thị Mừng. Đồng thời, đề nghị ông cung cấp chứng cứ, cơ sở chứng minh phần đất 4.500m2 là của ông bà nội ông. Tuy nhiên, sau đó đương sự cung cấp lại thiếu người trong hàng thừa kế, còn giấy ủy quyền không ghi ngày, tháng, năm và tài liệu chứng minh nguồn gốc đất lại không đủ cơ sở. Việc ông nói UBND xã Mỹ Hòa Hưng gây khó khăn, không thực hiện hòa giải là phản ánh không đúng. Đối với phần đất 4.500m2 gắn liền căn nhà có di chúc của vợ chồng ông Mới và bà Mừng để lại cho vợ chồng ông Trương Văn Đài. Qua yêu cầu xin cấp QSDĐ của họ, địa phương thực hiện các bước theo quy định và ngày 6-4-2018, UBND TP. Long Xuyên cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Đài”.

Nói về việc này, luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Nếu đương sự cho diện tích 4.500m2 đất gắn liền căn nhà là của ông, bà nội ông thì phải có giấy tờ để chứng minh. Khi xác định được nguồn tài sản này, ông phải cung cấp số người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) và yêu cầu của họ. Theo quy định của pháp luật, tài sản của người chết để lại dù không có di chúc vẫn được chia thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, phần đất này đã có di chúc để lại cho vợ chồng ông Đài nên tài sản này là của họ. Nếu ông Quới có chứng cứ, cơ sở chứng minh tài sản đã cấp cho ông Đài là của ông nội ông, đương sự khởi kiện đến tòa án để xem xét, quyết định”.

Bài, ảnh: N.R