Không đồng ý kết quả hòa giải, đương sự có quyền khởi kiện

20/05/2021 - 05:11

 - Trở về sau chuyến làm ăn xa, phát hiện đất của cha mẹ bỗng dưng bị người khác xây nhà ở, đương sự nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Sự việc tranh chấp đất chưa được giải quyết dứt điểm, bên nào cũng cho rằng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.

Bà Neáng Ngêu chỉ bên kia bức tường là phần đất của bà

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Neáng Ngêu (sinh năm 1963, ngụ tổ 7, ấp Tô Lợi, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, nguồn gốc 1.203m2 đất là của cha mẹ (ông Chau My, bà Neáng Ngô, đã chết) cho bà thụ hưởng từ lâu. Khi cha mẹ bà còn sống, gia đình bà sử dụng đất được một thời gian. Cuộc sống khó khăn, bà đi làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Khoảng năm 2010 bà trở về nhà, phát hiện gia đình bà Neáng Siếp bao chiếm một phần đất cất nhà, sau đó xây bức tường rào kiên cố, tuyên bố đất của mình.

“Dù số đất bị chiếm dụng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhưng khiếu nại của gia đình tôi vẫn không được xem xét, giải quyết. Địa phương nói việc đòi đất là không có căn cứ. Tuy nhiên, qua khiếu nại của tôi, vụ việc được địa phương tổ chức hòa giải. Sau đó, dù hòa giải không thành nhưng địa phương chậm trễ giao biên bản hòa giải để tôi thực hiện các bước khiếu nại tiếp theo. Gia đình tôi cho rằng, địa phương giải quyết không thỏa đáng, nên sẽ tiếp tục khiếu nại về trên giải quyết” - bà Neáng Ngêu cho biết.

Trả lời việc này, bà Neáng Siếp (sinh năm 1962) cho biết, khoảng năm 1988, khi vợ chồng bà từ tỉnh Hậu Giang về ấp Tô Lợi sinh sống đã biết vợ chồng ông Chau My, bà Neáng Ngô ở gần khu vực chùa Hang hiện nay. Sau đó, ông bà gợi ý “nếu 2 người cần đất cất nhà ở thì sẽ bán cho sử dụng”. Do đang cần nhà ở, vợ chồng bà Neáng Siếp làm "giấy tay" mua khoảng 4 tầm vuông (12x12m), giá 1 chỉ vàng 24K cùng 200 giạ lúa, nhờ ông Chau Suth (80 tuổi) làm chứng.

Sau ngày mua đất, vợ chồng bà cất nhà ở tạm, dần dần nâng cấp nhà và xây dựng tường để bảo vệ. Gia đình bà Neáng Siếp mua đất có giấy tờ chứng minh và có người làm chứng, nhiều người ở đây biết. Vừa qua, việc khiếu nại của gia đình bà Neáng Ngêu được hội đồng hòa giải thị trấn Cô Tô làm rõ, gia đình bà Neáng Siếp không chiếm dụng đất như phía bà Neáng Ngêu nói.

Về việc này, Trưởng ban Nhân dân ấp Tô Lợi Chau Kolle cho biết, gia đình bà Neáng Ngêu không gửi đơn khiếu nại đến ban ấp. Tuy nhiên, việc đòi đất của bà không có căn cứ, bởi việc cha mẹ bà Neáng Ngêu bán đất từ lâu, còn nhiều người biết, trong đó có ông Chau Suth. Diện tích bán 2 bên tự thỏa thuận. Vụ việc này đã được UBND thị trấn Cô Tô tổ chức hòa giải.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô Huỳnh Thanh Sang cho biết, qua khiếu nại của gia đình bà Neáng Ngêu, địa phương đã giải thích, hướng dẫn và mời 2 bên tranh chấp cùng nhân chứng tổ chức hòa giải, nhưng hòa giải không thành. Sau đó, đã giao biên bản hòa giải, giấy tờ liên quan, không có việc chậm trễ như nguyên đơn nói. Qua đó, theo GCNQSDĐ bà Neáng Ngêu cung cấp, "giấy mua bán tay" của bị đơn và người làm chứng cho thấy, việc mua đất của bà Neáng Siếp là có thật. Đặc biệt, phần đất tranh chấp không thuộc GCNQSDĐ số CK 760742 (CS03831) tờ bản đồ số 58, thửa đất số 489, diện tích 1.203m2 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 27-9-2017.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) thông tin, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, người có GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được pháp luật bảo vệ. Nếu không đồng ý với kết quả hòa giải của địa phương, bà Neáng Ngêu có quyền làm đơn khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, bà cần phải có cơ sở, chứng cứ, chứng minh đất của mình bị chiếm dụng trái phép. Trong đó, cần làm rõ về diện tích 4 tầm vuông mua bán.

Bài, ảnh: N.R

 

Liên kết hữu ích