Không đồng ý việc tiếp tục đòi chia tài sản sau ly hôn

22/06/2021 - 06:16

 - Cho rằng việc chia tài sản ly hôn, quyền nuôi con được 2 bên đồng thuận và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) công nhận nên người chồng không chấp thuận yêu cầu tiếp tục đòi chia thêm tài sản của người vợ.

Ông Hồ Văn Thương và con trai trình bày sự việc

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, ông Hồ Văn Thương (sinh năm 1986, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết, năm 2012, ông kết hôn với bà Phạm Ngọc Dung (sinh năm 1992, ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú), cùng sống chung nhà với cha mẹ ông. Sau kết hôn, vợ chồng sinh được 1 con trai, 1 con gái.

“Dù nhà không ruộng đất, cơ sở làm ăn nhưng nhờ ra sức lao động nên vợ chồng tích lũy được gần 300 triệu đồng. Nhờ số tiền này, chúng tôi lo cho các con ăn học, mua sắm chút ít và cả 2 vợ chồng đều tham gia bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng. Đầu năm 2020, vợ tôi muốn mua đất cất nhà ra riêng, không ở chung do bất hòa với mẹ chồng. Bàn bạc với vợ không được, tôi nói, nếu cất nhà ở riêng phải ở gần để cha mẹ tiếp chăm lo bệnh đục thủy tinh thể của tôi, khi bệnh đang giai đoạn nguy hiểm” - ông Hồ Văn Thương thông tin.

Do yêu cầu này không được người vợ đồng ý, nên mâu thuẫn của gia đình ngày thêm trầm trọng. Tháng 7-2020, bà Phạm Ngọc Dung ẵm con gái về nhà cha mẹ ruột. “Cuối cùng, chúng tôi đồng thuận ly hôn. Trước ngày tòa án xét xử, tôi đã giao 8,5 chỉ vàng 24k cùng số tiền và vật chất tổng trị giá gần 170 triệu đồng cho vợ, có làm biên bản thỏa thuận tại Ban nhân dân ấp Trung Phú 3” - ông Thương nhớ lại.

Sau đó, bà Phạm Ngọc Dung làm đơn gửi đến TAND huyện Thoại Sơn yêu cầu ly hôn, chia tài sản chung và giành quyền nuôi 2 con. Ngày 13-10-2020, tòa án thụ lý vụ án “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Ngày 17-5-2021, TAND huyện Thoại Sơn đưa vụ án ra xét xử. Kết quả, chấp nhận cho 2 người ly hôn; 2 bên không cấp dưỡng nuôi con; giao con trai cho ông Hồ Văn Thương tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; giao con gái cho bà Phạm Ngọc Dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tòa án không chấp nhận yêu cầu của bà Dung đòi chia một nửa của số tiền 500 triệu đồng (sau đó còn 425 triệu đồng) do Công ty Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng giải quyết về bệnh hiểm nghèo của ông Thương. Đối với số tài sản chung của 2 người, ngày 13-8-2020, hai bên tự thỏa thuận tại văn phòng Ban nhân dân ấp Trung Phú 3 nên không xem xét.

Liên quan vụ việc này, bà Phạm Ngọc Dung cho biết, thời gian đầu bà về nhà chồng cuộc sống hạnh phúc. Sau ngày có con, bà với mẹ chồng thường bất hòa, xảy ra mâu thuẫn. Thương chồng con, bà yêu cầu mua đất cất nhà ở riêng nhưng không được ở gần nhà cha mẹ chồng. Ông Thương không đồng ý mà còn nghi ngờ, đối xử không tốt với bà. Tiền bạc và những thứ có giá trị của vợ chồng giao hết cho mẹ chồng giữ. Thấy cuộc sống bức bách, bà làm đơn ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung và được quyền nuôi 2 con.

Đối với biên bản thỏa thuận chia tài sản chung ở Ban nhân dân ấp Trung Phú 3, do bên chồng gây áp lực, định xông vào đánh nên bà buộc ký nhận số tiền để cho qua chuyện. Theo bà, bản án số 56/2021/HNGĐ-ST, ngày 17-5-2021 của TAND huyện Thoại Sơn xét xử, quyết định là không công bằng. Bà kháng cáo, yêu cầu được nuôi 2 con do người chồng bị bệnh, không lo được cho con. Về số tiền 425 triệu đồng là tài sản chung của vợ chồng, bà yêu cầu chia đôi. Việc ly hôn là bất khả kháng, nếu người chồng đồng ý cất nhà ở riêng thì bà sẽ nối kết lại.

Thông tin về sự việc, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Phú 3 (Tổ trưởng Tổ hòa giải) Nguyễn Thị Huyến cho biết, sau nhiều lần thương thảo không thành, ngày 13-8-2020, vợ chồng ông Thương đến ban ấp hòa giải. Tại đây, qua phân tích, giải thích, bà Dung đồng ý nhận số tiền chung phân chia, không nhận tiền của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng giải quyết cho ông Thương và bà ký tên vào tờ cam kết, không có việc bị phía gia đình ông Thương gây áp lực.

Luật sư Nguyễn Thị Bạch Xuân (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo quy định của pháp luật, các bên đương sự không đồng ý với bản án mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên thì có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án. Thời hạn các bên kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp khi tuyên án mà đương sự vắng mặt, nếu có lý do chính đáng thì thời gian 15 ngày được tính từ ngày nhận được bản án. Qua vụ việc cho thấy, vợ và chồng đều có tham gia bảo hiểm và 1 người yêu cầu chia giá trị của bên kia là không có cơ sở.

Bài, ảnh: N.R