Không dùng công cụ hành chính can thiệp hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp

10/01/2020 - 14:34

Sáng 10-1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức.

Diễn đàn là nơi đối thoại giữa doanh nghiệp và đại diện các cơ quan chính phủ xoay quanh các kiến nghị, đề xuất mà Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã gửi đến các bộ, ngành trước đó.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tiến trình phát triển không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là dịp để cùng đánh giá những kết quả đã đạt được và đưa ra những định hướng nhằm thắt chặt mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chủ đề của diễn đàn là “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, là chủ đề xuyên suốt năm 2019 với nhiều kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; đồng thời phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững.

"Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bởi Nhà nước đặt ra mục tiêu nhưng lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu là doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại; có chiến lược sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, là một xu thế hiện hữu đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực cùng phát triển

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải nhận thấy những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho những thay đổi về quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sự sáng tạo, mang tính cạnh tranh…

Để chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề. Trước hết sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả; qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh. Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) cùng phát triển. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách, các Nghị quyết để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được giải phóng, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp; hỗ trợ kiến tạo phát triển cơ sở hạ tầng cho sự đổi mới; thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Chính phủ Việt Nam cũng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo... Chính phủ không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững, từ đó tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ... "Chúng ta đều thống nhất rằng chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế mỗi quốc gia, với Việt Nam thì vai trò này rất quan trọng trong thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng tin tưởng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững.  Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp thu để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,…

Đối với những kiến nghị cụ thể được nêu ra tại diễn đàn, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp thu, giải quyết trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo XUÂN TÙNG (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích