Đề cao cảnh giác
Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung bàn về công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ Đại hội XIII và một số nội dung quan trọng khác. Ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng gia tăng chống phá với những giọng điệu bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc nguy hiểm. Chúng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ thời gian qua là do sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng. Trước việc Đảng ta kiên quyết, xử lý nghiêm minh các sai phạm của hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến cơ sở thời gian qua, chúng xuyên tạc rằng đó chỉ là các "phe cánh triệt tiêu nhau". Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp tham nhũng, tiêu cực; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... để tung ra những bài viết mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, quy chụp về công tác cán bộ của Đảng.
Tập huấn công tác dư luận xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Dĩ nhiên, căn cứ, cơ sở được các “nhà dân chủ” đưa ra chỉ ở dạng phỏng đoán theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “nguồn tin bên lề”… Mặc dù chỉ mang tính phiến diện, nhưng những giọng điệu thâm hiểm ấy vẫn ít nhiều tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Trước tình hình ấy, hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức rõ vấn đề, từ đó đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, sai trái của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội.
Những kết quả không thể phủ nhận
Có thể thấy, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã rất quyết liệt trong công tác cán bộ và đấu tranh chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Lần đầu tiên, Trung ương cho thôi tham gia Ban Chấp hành với 3 ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can). Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can; kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/122 bị can; xét xử sơ thẩm 10 vụ án/101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/66 bị cáo.
Có thể khẳng định, mọi quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi đưa ra đều được nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ và cẩn trọng. Mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ. Bởi vậy, thay vì đồn đoán vô căn cứ về lý do của sự việc, mọi người hãy theo dõi, nắm bắt những nguồn tin chính thống để có cái nhìn chuẩn xác, không bị mắc bẫy những luận điệu xuyên tạc, chống phá.
Hiện nay, công tác cán bộ không phải bất biến, cố định, đợi hết nhiệm kỳ mà đã có tính “động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ đang dần trở thành bình thường. Tại Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng khẳng định quan điểm chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ...
Cán bộ là khâu “then chốt”
Quan điểm của Đảng ta được thể hiện trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Bởi vậy, mọi vấn đề liên quan đến công tác cán bộ đều phải được thực hiện một cách thận trọng, khoa học, chặt chẽ. Ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ, nhất là những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải có uy tín. Vì vậy, với cán bộ uy tín giảm sút thì việc “ra”, “xuống” là điều hết sức bình thường.
Những giọng điệu xuyên tạc về vai trò cán bộ và công tác cán bộ là chiêu trò hết sức lố bịch, đi ngược lại lợi ích của Đảng, nhà nước và nhân dân ta. Toàn xã hội cần đề cao cảnh giác, nhận diện, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
H.C