Bộ Y tế cho biết những tuần gần đây, số lượng mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã tăng nhẹ và ổn định ở mức trung bình hơn 300.000 mũi/ngày. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 236 triệu liều vắc-xin. Tuy nhiên, tốc độ tiêm tại nhiều địa phương vẫn chưa được đẩy mạnh.
Cấp theo nhu cầu địa phương
Liên tục trong 2 tuần qua, Bộ Y tế đã 8 lần nêu tên các tỉnh, thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4 chậm. Trong thông báo mới nhất, 6 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp gồm: Hải Phòng (43,3%), Quảng Nam (45,4%), Bình Thuận (48,2%), Đồng Nai (44,3%), Cà Mau (48,2%), Hậu Giang (35,6%). Cùng với đó, 6 tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp gồm: Bắc Kạn (3,6%), Quảng Bình (3,6%), Quảng Ngãi (8,1%), Bình Định (5,9%), Phú Yên (2,9%), Đồng Nai (7,0%). Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện có 21 tỉnh, thành tiêm mũi 3 dưới 5%.
Cách đây ít ngày, Bộ Y tế đã có 2 văn bản đốc thúc các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc-xin phòng Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định tại Việt Nam dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng đã ghi nhận sự xuất hiện của cả 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Nhiều người dân sau khi tiêm vắc-xin mũi cơ bản hoặc từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tích cực tiêm vắc-xin mũi 3 và 4, kể cả tiêm cho trẻ em.
"Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, 4) là cần thiết nhằm bảo vệ người dân không mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới" - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ theo nhu cầu, theo chỉ định và được vận chuyển tới các địa phương. Nơi nào chưa tiêm chủng đầy đủ thì sẽ có nguy cơ bị virus xâm nhập. Hiện nay, nếu có vướng mắc về vấn đề tiêm chủng, người dân có thể gọi về đường dây nóng của các sở y tế, của Bộ Y tế.
TP HCM tăng cường tiếp vắc-xin mũi 3 và 4 phòng Covid-19Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Huy động cả bệnh viện tư
Tại TP HCM, giữa tháng 6-2022 đã triển khai đợt cao điểm tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 trong nửa tháng nhưng tỉ lệ người dân đăng ký tiêm chủng thấp.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết vừa qua một số nơi gián đoạn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn ở vài đơn vị do chưa được cung ứng vắc-xin kịp thời.
"Nguồn vắc-xin của thành phố lệ thuộc Bộ Y tế, bộ cấp bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Đồng thời, nhằm bảo đảm chất lượng vắc-xin nên chỉ nhận vừa đủ để bảo quản, bởi phải được bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C, khi rã đông chỉ sử dụng trong 1 tháng. Cho nên dự trù sử dụng bao nhiêu thì cấp về bấy nhiêu. Tình trạng tạm ngưng tiêm có thể do dự trù thấp hơn so với nhu cầu hoặc nhu cầu phát sinh đột ngột. Sau đó, vắc-xin đã được cung ứng trở lại, không có việc ngưng tiêm hoàn toàn. Thành phố không thiếu vắc-xin" - bác sĩ Nga cho biết.
Mới đây, Sở Y tế TP HCM cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến hết ngày 31-7.
Theo Sở Y tế, ngoài điểm tiêm cộng đồng hiện có tại các địa phương như trung tâm y tế, trạm y tế, TP HCM còn có các điểm tiêm cố định tại những bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện. Bên cạnh đó, Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện chuyên khoa công lập còn lại, bệnh viện tư nhân đăng ký làm điểm tiêm cố định để tiêm cho người dân trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu tất cả điểm tiêm cố định (bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế) phải thực hiện tiêm tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Đồng thời, yêu cầu HCDC phân bổ vắc-xin cho các đơn vị tiêm chủng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đơn vị tạm ngưng tiêm trong khi vắc-xin tại thành phố vẫn bảo đảm cung ứng.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 150%
Bộ Y tế vừa có văn bản về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Hiện nay dịch SXH Dengue có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương.
Báo cáo đến ngày 11-7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca mắc SXH, trong đó 37 trường hợp tử vong. Tính riêng trong tháng 6-2022, cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp. Dự báo, số ca mắc SXH Dengue thời gian tới tiếp tục tăng, số ca nhập viện, ca nặng cũng tăng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp mắc SXH Dengue nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp quá khả năng điều trị. Khi vượt khả năng cho phép, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên thì phải thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị.
N.Dung
|
Theo Người lao động