Không tiếp tục duy trì căn-tin trong trường học

04/09/2019 - 08:01

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Đỗ Minh Tiến (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) thay mặt gia đình, phản ánh: năm học 2019-2020, Ban Giám hiệu Trường THCS Mỹ Quý không cho đấu thầu căn-tin như hàng năm, gây khó khăn và thiệt thòi cho gia đình ông.

Không tiếp tục duy trì căn-tin trong trường học

Ông Tiến trình bày: “Gia đình tôi đấu thầu căn-tin Trường THCS Mỹ Quý đã được 5 năm, để buôn bán thức ăn, nước uống, dụng cụ học tập cho học sinh. Hợp đồng được ký kết giữa gia đình tôi với nhà trường từ năm 2014 đến tháng 5-2019 là hết thời hạn. Thời điểm này có sự thay đổi hiệu trưởng mới (luân chuyển từ trường khác về). Khi hết hợp đồng, gia đình tôi đến hỏi thầy hiệu trưởng mới việc đấu thầu lại, thì được thầy trả lời rằng “đợi công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên”. Tuy nhiên, đến gần hết tháng 8 vẫn chưa thấy nhà trường thông tin, tôi đến gặp hiệu trưởng đề xuất việc bán lại, vì năm học mới đã bắt đầu. Không ngờ, tôi được trả lời là “không cho kinh doanh căn-tin nữa, cho học sinh ra ngoài ăn”. Nếu nhà trường không có căn-tin thì liệu có ổn không, đến hết tiết ra chơi chẳng lẽ mở cổng cho các em ra ngoài ăn, rồi đến tiết học vào lại? Vậy việc quản lý con em học sinh sẽ ra sao, có đảm bảo được sĩ số hay không, hay kéo theo những hệ lụy khác? Ngoài ra, việc không cho đấu thầu căn-tin gây tổn thất cho gia đình tôi sẽ được giải quyết như thế nào? Bởi gia đình tôi đầu tư khoảng trăm triệu đồng vào cơ sở vật chất, cuốn nền, xây cất nhà tiền chế, làm đường nước, vào đồng hồ điện, đồng hồ nước riêng để sử dụng, tủ, bàn, ghế, dụng cụ buôn bán... Rất mong được xem xét để gia đình tôi tiếp tục buôn bán trong căn-tin của trường”.

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Quý, cho biết: “Hiện nay, Luật Sử dụng tài sản công đã có hiệu lực. Trường là một tài sản công, nhà nước giao cho tôi là hiệu trưởng quản lý. Do vậy, tài sản được giao sử dụng gồm mục đích gì thì phải sử dụng cho đúng. Mục đích của trường chỉ có dạy và học. Còn việc trước đây các trường có căn-tin hay bãi giữ xe là một phần do tình hình kinh tế khó khăn, chưa có Luật Sử dụng tài sản công, công đoàn nhà trường tận dụng để tạo nguồn thu cho trường và bồi dưỡng thầy, cô giáo tham quan nghỉ dưỡng dịp hè... Sau này đã có hướng dẫn của UBND tỉnh, tiền công đoàn, bãi xe công đoàn trường phải nộp vào ngân sách nhà nước để phát triển sự nghiệp giáo dục. Khi có căn-tin, trường phải thường xuyên nhắc nhở về an toàn vệ sinh thực phẩm, phải đảm bảo sức khỏe cho học sinh, ngoài ra còn có nhiều vấn đề nữa, rất phức tạp. Do vậy, tôi chủ trương không tổ chức căn-tin và giữ xe trong trường kể từ năm học 2019-2020. Cha mẹ học sinh phải có trách nhiệm lo cho con em ăn uống trước khi đến trường. Khi vào trường thì có nước sạch uống (trường trang bị nước uống phục vụ miễn phí cho học sinh), không ăn uống nữa để tránh xả rác mất vệ sinh. Nói chung, chủ trương của nhà trường là không tổ chức căn-tin, giữ xe và thực hiện theo quy định của ngành. Không có quy định nào buộc trường phải có căn-tin và bãi giữ xe. Việc này ngay từ trong hè, trường đã thông qua tại cuộc họp Chi bộ, Hội đồng sư phạm của trường, đồng thời thông báo đến Hội cha mẹ học sinh. Tất cả đều nhất trí, không ai có ý kiến gì khác. Hiện nay, trường còn thiếu nhà xe, chỉ có bãi đất trống, các em vào học để xe ở đó khóa lại, không phải tốn tiền gửi xe, còn em nào muốn gửi bên ngoài thì gửi. Phần căn-tin đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 5-2019, khi không tiếp tục nữa thì họ tự thu dọn. Trong hợp đồng cũng ghi rõ: trường chỉ cho thuê mặt bằng và bàn giao mặt bằng, người trúng thầu tự xây cất căn-tin, đảm bảo mỹ quan cảnh quan sư phạm của trường, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, điện, nước tự thanh toán riêng”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên thông tin, việc đấu thầu căn-tin, giữ xe có tiếp tục hay không, phòng giao các trường quyết định, chứ phòng không có quy định gì trong vấn đề này. Còn về cơ sở vật chất sau khi chấm dứt hợp đồng là việc giữa nhà trường với người hợp đồng đã thỏa thuận trước đây.

Bài, ảnh: K.N

 

Liên kết hữu ích