Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân loại đô thị và đơn vị hành chính. (Ảnh: Duy Linh)
Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/5/2016, đã trở thành công cụ quan trọng để quản lý, đánh giá chất lượng đô thị. Với công cụ trên, tính đến tháng 6/2022, cả nước có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V. Bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị quyết 1210 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Bổ sung nhóm tiêu chuẩn đối với 6 vùng kinh tế-xã hội
Trong đó, có việc một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định trong Nghị quyết chưa xem xét đến đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù, không còn phù hợp điều kiện thực tiễn; chưa quy định việc áp dụng đánh giá phân loại đối với đô thị có tính chất đặc thù, chưa cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị và đơn vị hành chính. (Ảnh: Duy Linh)
Bên cạnh đó, trình tự thực hiện, thẩm quyền đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường trong Nghị quyết chưa quy định rõ ràng; công tác kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, thiếu, việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị chưa cụ thể…
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 gồm 2 Điều. Đáng chú ý, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định mức áp dụng khác nhau về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, mức độ phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng đối với 6 vùng kinh tế-xã hội, đặc biệt là các vùng trung du miền núi phía bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Về các quy định áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ mức áp dụng đối với các trường hợp đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị: có đường biên giới quốc gia; ở hải đảo; thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai; có di sản văn hóa hoặc di sản thiên nhiên thế giới; được quy hoạch, đầu tư phát triển thành đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học-công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: đa số ý kiến cơ bản tán thành quy định áp dụng tiêu chí phân loại đô thị theo vùng miền tương ứng với 6 vùng kinh tế-xã hội nhưng đề nghị bổ sung danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân theo 6 vùng nêu trên.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị.
Hạn chế tăng mật độ dân cư nơi có di sản văn hóa
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã sửa đổi 24 điều, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều và 1 Phụ lục trong Nghị quyết số 1211.
Đáng chú ý, đối với đơn vị hành chính nông thôn, dự thảo Nghị quyết đã giảm tiêu chuẩn quy mô dân số đối với đơn vị hành chính nông thôn ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia có từ 30% trở lên quy mô dân số là người dân tộc thiểu số và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; giảm tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng (đạt từ 70% trở lên).
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Đối với đơn vị hành chính đô thị, dự thảo Nghị quyết cũng giảm tiêu chuẩn quy mô dân số (đạt từ 50% trở lên), cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội (đạt từ 70% trở lên) của đơn vị hành chính đô thị ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia; giảm tiêu chuẩn quy mô dân số và tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện (đạt từ 50% trở lên) đối với thành phố trực thuộc Trung ương có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận hoặc được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong các quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn giảm tiêu chuẩn quy mô dân số và tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã (nếu có) đối với đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã (đạt từ 50% trở lên) có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận hoặc được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hoặc được xác định là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế trong các quy hoạch đã phê duyệt.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Theo các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, có ý kiến đề nghị không xem xét tiêu chí mật độ dân số bởi tính chất đặc thù của đô thị loại này là thường có diện tích di sản cần bảo tồn rất lớn, cần hạn chế việc tập trung dân cư ở vùng nội đô.
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tập trung nghiên cứu, đưa ra các cơ sở áp dụng phân loại đô thị để xây dựng các quy định phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù trong tương lai gần.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công tác sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết 1210, 1211 cần được thực hiện trên quan điểm không quá cầu toàn. Thay vào đó, cần triển khai trên tinh thần đưa ra những quy định phù hợp với quá trình phát triển, biến động không ngừng của đất nước, xã hội hiện nay, đồng thời không mang nặng tính chủ quan, dễ gây ảnh hưởng đến những địa phương có điều kiện tự nhiên, điều kiện thực tế đặc biệt.
Theo Báo Nhân dân