Kiểm soát dịch bệnh trong trường học

11/09/2024 - 07:51

 - Hàng năm, huyện An Phú (tỉnh An Giang) có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) khá nhiều. Do đó, huyện chủ động trong công tác khử khuẩn, phun hóa chất ở những khu vực nguy cơ cao, nhất là ở các trường học. Nhân viên y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi theo khu vực hành lang, kho chứa bàn ghế cũ, bụi cây, cống rãnh trong khuôn viên trường… nhằm loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi và các loại côn trùng khác. Để chủ động phòng, chống dịch SXH trong mùa mưa và đầu năm học mới, trạm y tế cấp xã còn ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trong cộng đồng. Lực lượng được chia thành nhiều tổ, đến từng hộ gia đình vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước (chai, lọ, lốp xe, xuồng, ghe…), giám sát vật dụng chứa nước, kiểm tra mật độ lăng quăng và vận động người dân thả cá vào nơi chứa nước lớn… nhằm ngăn chặn muỗi sinh sản, phát triển.

Phun hóa chất khử khuẩn trường học

Đến nay, tất cả các trường học đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo các cấp và sát với tình hình thực tế địa phương. 100% nhân viên y tế đảm bảo thực hiện tốt chuyên môn trong việc thực hiện giám sát, xử lý, sơ cấp cứu các loại dịch bệnh tại trường học.

Duy trì vệ sinh trường, lớp hàng ngày, tổng vệ sinh vào cuối tuần và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phát hiện sớm, khoanh vùng, báo cáo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời nhằm giảm số ca mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm lưu hành.

Sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là bệnh COVID-19 với biến chủng mới, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

Tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về hiệu quả việc tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh. Phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, như: Truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức các hoạt động chủ động phòng, chống dịch và kiểm tra, giám sát hỗ trợ phòng, chống dịch tại trường học…

Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh, phòng GD&ĐT phối hợp Phòng Y tế, Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên xây dựng và triển khai kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch bệnh tại các trường học. Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các trường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, thông thoáng lớp học, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh SXH, bệnh do virus Zika và các bệnh có nguy cơ lây lan nhanh trong trường học, như: Dịch bệnh lây qua đường hô hấp, tay - chân -  miệng… Phối hợp ngành y tế triển khai các chiến dịch tiêm chủng vaccine tại trường và kiểm soát việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo lứa tuổi khi trẻ nhập học… Thực hiện tốt công tác y tế trường học (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…

“Tiếp tục phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương, ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, SXH, bạch hầu… trên địa bàn, chú ý tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch, như: Điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, xử lý ổ dịch kịp thời theo chỉ định của ngành y tế (nếu có). Vận động phụ huynh học sinh thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng, chống dịch bệnh” - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, các trường thành lập ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị. “Duy trì việc kiểm tra, theo dõi, giám sát diễn biến sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên tại trường hàng ngày; phát hiện sớm các trường hợp bệnh, nghi ngờ mắc bệnh và hướng dẫn cách ly kịp thời.

Khi có dịch xảy ra tại cơ sở phải thông báo ngay cho trạm y tế xã và phòng GD&ĐT, đồng thời phối hợp giám sát và xử trí theo quy định. Phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine tại các trường (nếu có). Tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch” - lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn huyện An Phú cho biết.

Mùa mưa, mùa tựu trường là khoảng thời gian xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm, như: Tay - chân - miệng, SXH, thủy đậu, cúm, sởi, COVID-19… Cùng với nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa của các cấp, ngành, nhà trường, thì các bậc cha mẹ học sinh cần chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho con em. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Phòng tránh muỗi đốt bằng cách cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài tay cho trẻ, rửa tay bằng xà bông, giữ vệ sinh cá nhân... Khi thấy trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

HỮU HUYNH