Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

20/12/2019 - 08:00

 - Xác định công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (PCBL, GLTM&HG) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác PCBL, GLTM&HG. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới

“Cuộc chiến” gian nan

Với đường biên giới dài, rộng, có nhiều kho chứa hàng ở khu vực biên giới, các đối tượng đã tập kết hàng hóa nhập lậu sát biên giới để chờ thời cơ thuận lợi sử dụng vỏ lãi, xuồng máy hoặc thuê người đai vác, vận chuyển qua biên giới. Sau khi qua khu vực biên giới sẽ nhanh chóng đưa lên các phương tiện (xe gắn máy, xe ôtô, xe ôtô khách…) đậu chờ sẵn để đưa vào nội địa tiêu thụ. Thời gian các đối tượng buôn lậu chọn vận chuyển hàng lậu thường vào ban đêm và giao hàng ở những nơi vắng vẻ, nhằm tránh né cơ quan chức năng. Mặt khác, do đa số người dân khu vực biên giới không có việc làm và thu nhập ổn định; bản thân, gia đình có quan hệ hoặc tham gia các đường dây buôn lậu coi đây là nguồn thu nhập chính, các đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu nên tình trạng chống đối khi kiểm tra bắt giữ vẫn còn xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết: “Một trong những khó khăn trong công tác chống buôn lậu là do trang bị, phương tiện, kinh phí cho các hoạt động đấu tranh chống buôn lậu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Một số lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới và địa phương phải kiêm nhiệm nhiều việc nên đôi lúc hàng lậu, nhất là đường cát, thuốc lá có cơ hội thẩm lậu… Năm 2019, BCĐ 389 tỉnh đã chủ động, kịp thời xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh buôn lậu, trong đó tập trung các mặt hàng: thuốc lá, đường cát, phế liệu… đạt nhiều kết quả”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 1.484 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (tăng 5,5% so cùng kỳ). Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 58,25 tỷ đồng (tăng 51% so cùng kỳ), xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 11,43 tỷ đồng (giảm 21% so cùng kỳ). Khởi tố 22 vụ, 22 đối tượng về hành vi “Mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu”, trị giá tang vật bị khởi tố trên 2 tỷ đồng. Đã bắt giữ trên 802.000 gói thuốc lá nhập lậu (giảm 5% so cùng kỳ), trên 371.000kg đường cát nhập lậu (tăng 22,7% so cùng kỳ). Ngoài ra, lực lượng chức năng đã phát hiện 27 trường hợp sản xuất - kinh doanh hàng giả, trị giá 210 triệu đồng; xử phạt hành chính số tiền 516 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm; xử lý 28 trường hợp vi phạm về chất lượng mặt hàng phân bón, lúa giống, xăng dầu và 3 trường hợp sử dụng phụ gia ngoài danh mục trong chế biến thực phẩm, xử phạt hành chính số tiền 790 triệu đồng.

Chống buôn lậu, lành mạnh hóa thị trường

Dự báo thời gian tới, hoạt động buôn lậu, GLTM&HG tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, tác động xấu đến môi trường sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Để tập trung nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCBL, GLTM&HG, các lực lượng chức năng như: hải quan, bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường, công thương phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật. “Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho buôn lậu. Thực hiện quy định việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa bàn nếu để xảy ra vi phạm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tăng cường các biện pháp chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; kiểm tra, kiểm soát, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, gian lận về đo lường... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân. Trong đó, tập trung vào thời gian cao điểm cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán năm 2020, do nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng, như: pháo nổ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, tiền tệ, điện thoại di động, động - thực vật hoang dã, hàng tiêu dùng... thường tăng cao. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, lành mạnh hóa thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.

MINH THƯ