Khởi sắc ở vùng nông thôn
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhà bà Trần Thị Loan, ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, đang bận rộn xuất chuồng lứa dê hơn 30 con. Bà Loan cho biết, những năm gần đây, khi giá tiêu xuống thấp, gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại nuôi dê, kết hợp trồng 3 ha tiêu, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây trị giá hơn 2,5 tỷ đồng, xen lẫn câu chuyện nuôi ba người con ăn học thành tài, bà Loan chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi đã có của ăn của để. Đường giao thông trong ấp đã được trải nhựa sạch đẹp, tối đến đèn sáng không khác gì thành thị. Gia đình tôi rất hưởng ứng xây dựng NTM vì thấy chương trình này thiết thực, mang lại lợi ích trước tiên cho chính mình”.
Đồng chí Hồ Đăng Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết: Thực hiện mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp, đến nay, các tuyến đường ở bảy ấp của xã đều được trải nhựa, lắp hệ thống chiếu sáng và trồng hoa ở hai bên. Việc được huyện Xuân Lộc chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu là vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra thử thách không nhỏ đối với cán bộ, nhân dân trong xã. Đảng ủy xã đã bắt tay thực hiện bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao thu nhập hộ nghèo, đồng thời, phân công các đảng ủy viên phụ trách từng ấp, trong đó ba đồng chí Thường vụ Đảng ủy tự nguyện phụ trách những ấp khó khăn nhất. Cán bộ xắn tay áo cùng chi bộ, ban ấp và người dân để thực hiện các công việc cụ thể. Đặc biệt, các đồng chí đảng viên gương mẫu đi đầu, theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ đó, diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc. Cuối năm 2020, Xuân Thọ đã hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Cán bộ xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) kiểm tra tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Nhiều người biết đến xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu khi địa phương này đạt xã NTM kiểu mẫu đầu tiên khu vực phía nam vào năm 2019. Để có kết quả này, Đảng ủy xã đã có những bước đột phá trong chủ trương vận động nhà nông chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, keo kém hiệu quả sang cây bưởi. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hoàng Long, nếu như năm 2011 toàn xã có 90 ha trồng bưởi thì đến nay đã nhân lên gần 250 ha. Thu nhập mang lại cho nông dân trồng bưởi cao hơn gấp 15 lần so với trồng lúa. “Cây bưởi đang mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình tôi, cũng như nhiều bà con nông dân ở địa phương”, ông Bùi Văn Kịch, một nông dân ở ấp 5, xã Bình Lợi cho hay.
Sự chỉ đạo toàn diện của cấp ủy các cấp
Đồng chí Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, để Xuân Lộc đi tiên phong của tỉnh trong xây dựng NTM và đang trong lộ trình phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025, ngay từ những ngày đầu thực hiện xây dựng NTM, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình thực hiện. Sau khi được công nhận huyện NTM đầu tiên cả nước vào năm 2014, Xuân Lộc bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Khi được Trung ương chọn là một trong bốn huyện xây dựng NTM kiểu mẫu, Huyện ủy Xuân Lộc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề xây dựng nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2018 - 2025. Toàn hệ thống chính trị thực hiện phương châm lấy nhân dân làm chủ thể, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả khi tổ chức thực hiện. Huyện ủy mạnh dạn thay thế những đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã không thật sự quyết liệt, có tư tưởng đủng đỉnh, trông chờ cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Năm 2020 vừa qua, trong số tám đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã được thay thế có một số trường hợp xuất phát từ lý do nêu trên. Đến nay, Xuân Lộc đã có 8 trong số 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã Xuân Thọ và Bảo Hòa đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Theo đồng chí Đặng Minh Nguyệt, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, để nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng NTM, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều có sự phân công trách nhiệm cho tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, cấp ủy cấp xã giữ vai trò chủ đạo, chính quyền chủ lực trong quản lý, điều hành, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội chủ trì các nhiệm vụ theo nhóm tiêu chí. Do lấy nông dân làm chủ thể của quá trình xây dựng NTM, người dân tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của, đất đai để đầu tư xây dựng NTM. Tỉnh ủy Đồng Nai cũng lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá mức độ, kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị hằng năm của các cấp ủy. Đến nay, tổng vốn đầu tư cho NTM toàn tỉnh là hơn 376 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 11%, còn lại do nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp. Xây dựng NTM ở Đồng Nai đã trở thành một phong trào thi đua giữa các xã, các huyện với nhau. Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Mục tiêu cuối cùng là người dân thụ hưởng, làm sao để đời sống nông dân tốt lên, chúng tôi xem đây là tiêu chí cao nhất làm thước đo thành công của chương trình. Thành quả rõ nhất là người dân được thụ hưởng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, qua đó, nhanh chóng kéo giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực thành thị với nông thôn”.
Với quyết tâm xây dựng nông thôn giàu có, văn minh, một trong những khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ này xác định là đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến nay toàn tỉnh đã có 43 xã NTM nâng cao, một xã NTM kiểu mẫu và khí thế xây dựng NTM đang được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Theo THIÊN VƯƠNG (Báo Nhân Dân)