Dù mức giảm có thể ở mức chưa cao nhưng đây cũng là động thái tốt, giúp tạo thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng trở lại, kích cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trước kỳ vọng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mục tiêu tăng 6%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024 cần chú trọng các điểm mới để thúc đẩy thương mại; trong đó, cần phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt với các thị trường quan trọng. Hiện tại, Bộ Công Thương đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong hội nhập quốc tế nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. Nếu tận dụng tốt cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay, tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần May Thành Hưng chia sẻ, so với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng may xuất khẩu tăng trưởng từ 20-30%, giá trị đơn hàng cũng tăng từ 5 - 10%. Hiện tại, công ty đã đầu tư thêm một số chuyền may và thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phấn đấu doanh thu năm 2024 (tương ứng 4,5 triệu USD) về đích sớm so với kế hoạch.
Còn theo ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tích cực. Đơn hàng nhiều ngoài sức tưởng tượng và công ty đã từ chối 2 - 3 đơn đặt hàng giá tốt dù đã cho lao động tăng ca, công suất. Mới đầu tháng 7, số đơn hàng cho quý III của công ty đã kín, đơn hàng quý IV cũng đang thương lượng. Nếu không biến động lớn, khả năng mục tiêu cả năm nay về đích thành công.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã thoát cảnh ăn đong. Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn cho những tháng tiếp theo; toàn bộ lao động vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng USD.
Mặt khác, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… tiếp tục phải đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và hiện đã tận dụng tương đối tốt các FTA. Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng trưởng 6% là hoàn toàn khả thi. Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Vì thế, cần có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, đưa hàng hóa vào thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… ngoài thị trường truyền thống. Qua đó giảm bớt rủi ro khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một thị trường.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% trong 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp cũng chủ động các vấn đề thương mại, ví như tính quyết định, tăng cường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thống kê từ liên Bộ cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các yếu tố thúc đẩy sự hồi phục của xuất nhập khẩu hàng hóa nhờ vào kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các FTA.
Hơn nữa, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế…
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Hơn nữa, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Ngoài ra, phát triển dịch vụ logistics tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch. Đặc biệt, Bộ sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Theo TTXVN