Xuất khẩu thủy sản trong quý I/2022 tăng 47,2% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Trong quý I/2022, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có gam màu sáng nhờ chính sách mở cửa và Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của cùng kỳ năm 2021 và 3,66% cùng kỳ năm 2020, song con số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1/2019.
Kinh tế dần hồi phục, “sức khỏe” doanh nghiệp đang được cải thiện giúp dòng vốn được lưu thông hiệu quả. Về hoạt động ngân hàng, đại diện TCTK cho hay: Tính đến thời điểm ngày 21/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).
Nhờ sức cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt. Trong những tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất có biến động do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng nhưng mức điều chỉnh không quá lớn. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; vay sản xuất, kinh doanh thông thường từ 7 - 10,5%/năm (ngắn hạn), 8,5 - 12,7%/năm (trung và dài hạn); cho vay tiêu dùng 7 - 11,5%/năm (ngắn hạn), 8,5 - 13%/năm (trung và dài hạn).
Để hỗ trợ khách hàng vay vốn, mới đây, ngân hàng MSB ra mắt sản phẩm “Vay thế chấp linh hoạt”. Theo đó, các khách hàng cá nhân có thể được vay vốn mua nhà, xây/sửa nhà đến các nhu cầu tiêu dùng cuộc sống với mức lãi suất cạnh tranh từ 4,99%/năm. “Khi vay mua nhà, khách hàng sẽ được tài trợ đến 90% giá trị căn nhà. Ngoài ra, có thể vay vốn để xây, sửa, hoàn thiện căn nhà thông qua giải pháp ‘Vay thế chấp linh hoạt’ với nguồn tài chính lên tới 10 tỷ đồng, giải ngân linh hoạt theo tiến độ thi công”, đại diện MSB cho biết.
Theo MSB, khi đã sở hữu ngôi nhà, khách hàng còn được hỗ trợ ngay nguồn tài chính phục vụ mua sắm hoặc nâng cấp trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình với hạn mức tối đa 1,5 tỷ đồng, trong 10 năm và không cần phải chứng minh vốn tự có.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, một số ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như: BIDV với chương trình ưu đãi tín dụng cũng được áp dụng trong cả năm 2022 có quy mô 200.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn hưởng lãi suất từ 5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 5,5%/năm kỳ hạn 6 - 12 tháng. Khách hàng cũng có thể tham gia gói vay 100.000 tỷ đồng trung, dài hạn với lãi suất từ 6,2%/năm…
Tháng 3/2022, Vietcombank tung ra gói tín dụng trị giá 49.000 tỷ đồng dành cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với lãi suất 5,6 - 8,3%/năm kéo dài đến đầu năm sau; Agribank có chương trình cho vay ngắn hạn bằng VND doanh nghiệp lớn lãi suất 4%/năm, kéo dài đến hết 2022. Với nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần như: LienVietPostBank, ABBank, SeABank, NamABank, Viet Capital Bank, MSB… cũng lần lượt đưa ra các gói tín dụng dành riêng cho nhóm khách hàng DNNVV. Theo đó, NamABank đã dành 30.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp ngành tôm xây dựng chuỗi giá trị khép kín; ABBank triển khai gói vay 4.500 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn với khách hàng cá nhân, lãi suất từ 7,29%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, sức bật của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cao, cầu tiêu dùng đang hồi phục tương đối tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao. Năm 2022, NHNN nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của VIB, bà Trần Thu Hương cho rằng: Nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ cấp room tín dụng cho các NHTM ở mức cao hơn năm 2021, đáp ứng kỳ vọng nhu cầu tín dụng dành cho các doanh nghiệp và cá nhân. Phía VIB sẽ dành 90% room tín dụng được cấp cho mảng bán lẻ.
Mới đây, Nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cần thiết. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao. Để kinh tế phục hồi tốt hơn, việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. NHNN nên bỏ room tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Theo đó, tùy thuộc mỗi ngân hàng có thể tăng room tín dụng lên 10 - 20% nếu họ có thể huy động được vốn và vẫn tuân thủ chỉ tiêu NHNN đưa ra.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế; đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ. Phía NHNN sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo NHNN, tín dụng sẽ hướng vào hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh của TCTD, tuân thủ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của TCTD.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất.
Theo Báo Tin Tức