Kinh tế thế giới dự báo thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050

20/11/2019 - 13:49

Theo báo cáo, căn cứ vào xu hướng nhiệt độ toàn cầu ấm lên như hiện nay, GDP toàn cầu năm 2050 sẽ giảm 3% và Mỹ được dự báo là một trong những nước ít bị tác động nhất của biến đổi khí hậu.


Một nhà máy lọc dầu ở gần Corpus Christi, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở.

Dự báo trên được đưa ra trong một báo cáo phân tích công bố ngày 19-11, dựa trên chỉ số ứng phó biển đổi khí hậu của Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) tính tới hoạt động chuẩn bị ứng phó của 82 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo, căn cứ vào xu hướng nhiệt độ toàn cầu ấm lên như hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2050 sẽ giảm 3%. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, được dự báo là một trong những nước ít bị tác động nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Nga được cho là sẽ mất 5% GDP vào năm 2050 và sẽ chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lớn hơn so với phần lớn các nước trên thế giới. Tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tan chảy đe dọa tới hạ tầng cơ sở như đường ống dẫn hyddrocacbon được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến nền kinh tế Nga suy giảm trong những thập kỷ tới.

Trong khi đó, châu Phi dự báo là khu vực chịu rủi ro lớn nhất với nguy cơ GDP giảm 4,7% vào năm 2050. Trong khu vực này, Angola có thể là quốc gia chịu tác động nặng nhất, với GDP giảm 6,1% vì nhiều nguyên nhân như thiếu các cơ sở hạ tầng có chất lượng, dễ bị hạn hán nghiêm trọng, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển gia tăng.

Báo cáo dự báo, Nigeria (với dự báo GDP giảm 5,9%), Ai Cập (GDP giảm 5,5%) , Bangladesh (GDP giảm 5,4%) và Venezuela (GDP giảm 5,1%) được xác định là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất sau Angola.

Giám đốc phân tích quốc gia thuộc EIU, John Ferguson nhận định: "Các nước giàu có thực sự có thể ứng phó tốt hơn đối với tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy điều này đe dọa mục tiêu tăng trưởng của các nước đang phát triển vì họ cố bắt kịp các nước phát triển trong vấn đề này."

Theo báo cáo, để duy trì nhiệt độ ấm lên của Trái Đất ở mức không quá 2 độ C và nếu có thể là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nền kinh tế toàn cầu phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề gây tranh cãi vì những nước đang phát triển cho rằng nền kinh tế tăng trưởng của nước họ không nên phải hứng chịu sau hàng thập kỷ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch của các nước giàu.

Ông Ferguson cho rằng cần tới sự phối hợp toàn cầu để giải quyết những tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo MINH CHÂU (TTXVN/Vietnam+)