Kinh tế thích ứng linh hoạt với COVID-19

18/01/2022 - 05:54

 - Những bài học kinh nghiệm từ 4 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 cho phép nền kinh tế thích ứng linh hoạt, ổn định hơn. Bất kể tình huống ra sao, công tác quản lý, điều hành cần bình tĩnh, thống nhất xuyên suốt, không thay đổi theo kiểu bị động, chủ quan.

Khắc phục khó khăn

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhờ từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam đã duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực.

Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III-2021 âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhưng sang quý IV đã đạt mức tăng 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (tăng 4,61%); GDP cả năm 2021 ước tăng 2,58%.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại; cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục giữ được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD…

Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế

Đúc kết kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành ngay từ đầu năm 2022. Cùng với tiêm phủ vaccine, cần đảm bảo đủ thuốc điều trị, đủ sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, cần tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ổn định chính sách, chiến lược

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế hiện đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với COVID-19. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Thực tế cho thấy, sức cầu của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch (DL) có thể tạo sức bật mạnh trở lại, đóng góp lớn vào tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Kinh tế năm 2022 có cơ hội phục hồi tốt. Ảnh: NGÔ CHUẨN – PHƯỚC HẬU

Tại An Giang, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 2,15%, thấp hơn so cùng kỳ (năm 2020 tăng 2,46%), thấp xa so kế hoạch đề ra (6-6,5%) và được xem là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, những điểm sáng, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế là cơ sở để tỉnh đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 5,2% năm 2022, với GRDP bình quân đầu người 52,66 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội 30.127 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, từng ngành, lĩnh vực sẽ từng bước phục hồi, phát triển theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được xác định giữ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Tỉnh đẩy mạnh triển khai kế hoạch “Thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay”. Trong đó, tiếp tục thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang các loại hoa màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Đối với cây lúa, triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng SRP, GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho nông dân.

Năm 2022, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài các cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn theo nhu cầu… Đồng thời, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa trên địa bàn, triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu.

Cùng với tiếp tục triển khai Chương trình hành động phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, An Giang triển khai nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển DL vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh; tạo điều kiện cho DN hoạt động trong lĩnh vực DL phục hồi hoạt động theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19…

“Cần tăng cường năng lực thích ứng, duy trì mở cửa nền kinh tế phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh; hạn chế áp đặt biện pháp phòng, chống dịch không cần thiết, gây thêm khó khăn và tăng chi phí cho người dân, DN” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi ý

 

NGÔ CHUẨN