Kinh tế Việt Nam 2023: Quyết liệt, hiệu quả trong điều hành, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất

11/10/2023 - 19:02

Theo Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, thời gian của năm 2023 không còn nhiều, Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào sự phục hồi nhanh và tiềm năng của nền kinh tế.

Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Với thực tế tình hình kinh tế trong nước và thế giới, để đạt được tăng trưởng 5% của cả năm 2023 không phải là dễ.

Kinh tế 9 tháng 2023 vượt "cơn gió ngược", vững bước tiến về phía trước

Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 có nhiều gam màu sáng, tối đan xen trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu trầm lắng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.

Tỷ lệ và quy mô giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong các năm qua, đóng vai trò là động lực chính, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác của nền kinh tế.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt mức cao nhất của 9 tháng trong 5 năm 2018-2023. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế nước ta.

Các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Dấu mốc tự hào, biểu tượng tiên phong trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt đó là sự kiện VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ.

Hành trình tiến ra thị trường vốn quốc tế của VinFast gợi mở cho doanh nghiệp Việt trong thay đổi chiến lược huy động vốn, cạnh tranh về công nghệ, giá bán sản phẩm để chinh phục thị trường thế giới; gợi cho Chính phủ cần đổi mới chiến lược đầu tư, đặc biệt đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường vốn quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết quả thu ngân sách 9 tháng là điểm sáng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra trong tình cảnh đầy khắc nghiệt.

Kết quả thu ngân sách đảm bảo cân đối thu-chi, giữ vững ổn định ngân sách nhà nước; tạo dựng nền tảng và cơ sở để phát huy tối đa vai trò quan trọng của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm kích cầu tiêu dùng và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô; tạo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định vĩ mô.

Có được kết quả trên là do Chính phủ am hiểu tình hình, ban hành kịp thời các giải pháp mang tầm chiến lược, đồng thời xử lý các vấn đề trước mắt, mới phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển.

Trong 9 tháng năm 2023, với sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đặc thù, phù hợp với diễn biến và thực tiễn tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới là yếu tố quan trọng giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Nền kinh tế đã vượt "cơn gió ngược", vững bước tiến về phía trước.

Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2023 còn những gam màu tối, nền kinh tế phục hồi chậm và mong manh; tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất cao; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Dấu mốc tự hào, biểu tượng tiên phong trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt đó là sự kiện VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ.

Kiên định mục tiêu, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, khả năng kinh tế nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% gần như khó khả thi.

Tuy vậy, theo tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng cao đồng nghĩa với giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập của người lao động, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển đất nước.

Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ những giải pháp, tận dụng hiệu quả mọi cơ hội, hạn chế tối đa những khó khăn, bất cập, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng sẽ tạo tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giảm nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo tâm lý và dư luận xã hội không tốt.

Nếu điều chỉnh để cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ nuôi dưỡng "bệnh thành tích, sự tự mãn", tạo tiền lệ xấu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và tạo tâm lý trông chờ, ỉ lại của các cấp, các ngành.

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng là cần thiết, phản ánh sự linh hoạt và nhanh nhậy trong thực tế nhìn nhận tình hình để chỉ đạo điều hành, nhưng không có nghĩa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng trong chỉ đạo điều hành nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng sát với tình hình, nâng cao hiệu quả điều hành

Đối với quản lý kinh tế, đặc biệt quản lý kinh tế vĩ mô luôn đòi hỏi các nhà quản lý phải đưa ra các kịch bản khác nhau và tính toán các chỉ tiêu có liên quan cho từng kịch bản.

Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, các bộ, ngành cần chủ động tính toán các chỉ tiêu liên quan tới GDP theo từng kịch bản để chủ động đưa ra giải pháp phù hợp trong điều hành nền kinh tế và xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Vì vậy, công tác đánh giá, dự báo tình hình kinh tế, xã hội, địa chính trị thế giới và trong nước có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong xây dựng và thực thi các chính sách, giải pháp điều hành đất nước.

Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt trên 5% là thành công đáng tự hào

Với kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% đã được Quốc hội thông qua thì tăng trưởng của quý IV/2023 phải đạt 12,4%- Điều này là không thể trong bối cảnh hiện nay của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước với chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng.

Ở kịch bản thứ nhất, nếu GDP cả năm 2023 đạt khoảng 5% thì GDP quý IV/2023 phải đạt khoảng 7%;

Với kịch bản thứ hai, nếu GDP cả năm đạt khoảng 5,5% thì GDP quý IV/2023 phải đạt khoảng 8,8%;

Kịch bản thứ ba, nếu GDP cả năm đạt khoảng 6% thì GDP quý IV/2023 phải đạt khoảng 10,6%.

Hiện nay, kinh tế thế giới đang trầm lắng, với triển vọng tiêu cực. Theo Báo cáo mới công bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển dự báo kinh tế thế giới tăng 2,4% trong năm 2023, giảm so với mức 3% của năm ngoái và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024.

Kinh tế thế giới đang ở ngã ba đường với nhiều thách thức, bất bình đẳng gia tăng, thị trường bị thu hẹp. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của kinh tế thế giới.

Tại Mỹ, với những ưu đãi tài chính sẽ hết hiệu lực trong thời gian tới, chi tiêu dùng sẽ giảm. Khi tăng trưởng việc làm tháng 9/2023 của Mỹ tốt hơn kỳ vọng, đạt mức tăng cao nhất tính từ tháng 1/2023 và giá năng lượng tăng, khả năng rất cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu.

Bên cạnh đó chính sách tăng lãi suất sẽ phát huy hết tác dụng vào cuối năm nay và đầu năm 2024. Bloomberg nhận định ít nhất tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3%, đồng thời lạc quan với triển vọng kinh tế của các nền kinh tế lớn.

Ủy ban châu Âu vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Khu vực này xuống 0,8% so với mức 1% được công bố trong dự báo mùa Xuân.

Ngày 2/10/2023, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do nhu cầu toàn cầu trì trệ, trong bối cảnh lãi suất vẫn cao và hoạt động thương mại suy giảm.

Tăng trưởng kinh tế nước ta phụ thuộc khá nhiều vào tổng cầu thế giới. Thực tế 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta giảm 8,2%; tổng cầu trong nước dần hồi phục với tốc độ chậm (Tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế quý I/2023 tăng 3,01%; chín tháng năm 2023 tăng 3,03%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu có đến 93,7% là tư liệu sản xuất, trong 9 tháng giảm 13,9%, phản ánh hoạt động sản xuất suy giảm do tổng cầu thế giới và trong nước chưa phục hồi. Đây cũng là các nguyên nhân dẫn tới GDP 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 4,24%.

Nhìn vào bên cung của nền kinh tế nước ta với ngành công nghiệp chế biến chế tạo bấy lâu nay là động lực tăng trưởng chính có sự phục hồi nhưng rất mong manh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo 9 tháng chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân toàn ngành 9 tháng ở mức 85,3% cao hơn 8,9% so với 9 tháng năm 2022. Điều này thể hiện thị trường đầu ra trong nước hấp thụ kém hàng hóa sản xuất của nền kinh tế.

Trong 9 tháng năm 2023, chỉ tháng 2 và tháng 8 có chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tương ứng đạt 51,2 và 50,5 điểm, các tháng còn lại, chỉ số PMI đều dưới ngưỡng 50 điểm.

Sau 5 tháng chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm, đến tháng 8/2023 chỉ số PMI đạt 50,5 điểm, sang tháng 9/2023 chỉ số PMI lại giảm xuống 49,7 điểm, điều này phản ánh sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm giảm, sự hồi phục rất yếu, không bền vững của ngành chế biến chế tạo.

Trong 3 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu chưa có nhiều điểm sáng để cả năm có tổng kim ngạch xuất khẩu bằng tổng kim ngạch xuất khẩu của năm trước; tiêu dùng cuối cùng trong nước chưa có tín hiệu tích cực.

Vì vậy, GDP năm nay đạt 5% hay 5,5% đều là thành công đáng tự hào bởi lẽ nếu năm 2023, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% cũng đã gấp 2,1 lần, nếu đạt khoảng 5,5% thì sẽ gấp 2,3 lần mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cùng với lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, giữ vững ổn định vĩ mô.

Với thực tế tình hình kinh tế trong nước và thế giới, để đạt được tăng trưởng 5% của cả năm 2023 không phải là dễ.

Cần làm gì để đạt mức tăng trưởng cao nhất?

Thời gian của năm 2023 không còn nhiều, thiết nghĩ Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào sự phục hồi nhanh và tiềm năng của nền kinh tế.

Về giải pháp kích cầu tiêu dùng: Thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Giảm giá hàng tiêu dùng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, đồng thời phát huy hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT. Vì vậy, Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện giải pháp này.

Khu vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng có chỉ số giá sản xuất dịch vụ 9 tháng tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chỉ số dịch vụ vận tải tăng 19,34%, đặc biệt chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng tới 99,79% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho một bộ phận khách du lịch trong nước chuyển từ du lịch nội địa sang du lịch quốc tế với giá vé máy bay rẻ hơn, làm gia tăng nhập khẩu dịch vụ và giảm tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ số dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5,97%. Vì vậy, các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ cần cơ cấu lại chi phí để giảm giá các loại dịch vụ, đồng thời cần giữ chữ tín, không lợi dụng tăng giá vào mùa cao điểm.

Tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do hậu quả của đại dịch, Chính phủ cần có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Giải pháp kích cầu đầu tư: Thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp.

Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.

Với ưu điểm về tính chủ động trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.

Chính phủ nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Đồng thời các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế và quy định cụ thể khoảng cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.

Giải pháp kích cầu xuất khẩu: Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đến với toàn cầu.

Cùng với các giải pháp kích cầu, Chính phủ cần khẩn trương thực thi hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn bên cung của nền kinh tế. Chính phủ cần thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường trong nước.

Thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp kích cầu; quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch; với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất, con thuyền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ vượt qua các cơn gió ngược, cập bến trong sự ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế./.

Theo Chinhphu.vn