Những khu nhà “độc nhất vô nhị” ở quê hương Bác Tôn

Kỳ 2: Sự hòa quyện của “ý Đảng”, “lòng dân”

18/10/2018 - 07:39

 - Tính đến tháng 10-2018, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã xây dựng 8 khu dân cư Đại đoàn kết cho hộ nghèo không có đất ở, tại 5 phường, xã (Mỹ Hòa, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng), tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ phần san lấp mặt bằng trên 6 tỷ đồng; phần xây dựng nhà 14 tỷ đồng hoàn toàn từ vận động xã hội hóa. 170 căn nhà Đại đoàn kết đã giúp 170 hộ gia đình nghèo được sống trong mái ấm của riêng mình. Ý của Đảng chính là lòng của dân!

Công tâm, linh hoạt

Năm 2017, TP. Long Xuyên có 518 hộ nghèo (0,7%), 2.488 hộ cận nghèo (3,28%). Trong số đó, hàng trăm hộ không hề có nhà hoặc đất ở. Địa phương bắt đầu xét chọn theo nguyên tắc: đúng đối tượng cần hỗ trợ, ai khó khăn hơn thì ưu tiên hơn. Quá trình xét chọn, từng hộ được mời đến trao đổi, “quán triệt” rằng: nếu họ được xét, tùy theo tình hình thực tế, các phường, xã sẽ linh hoạt bố trí nhà, tùy theo quỹ đất công phù hợp. Có thể họ đang sống ở phường trung tâm thành phố, nhưng sẽ phải dời về khu dân cư ở một phường ven đô, xáo trộn nếp sinh hoạt, làm ăn hiện tại. Nếu họ được bàn giao nhà Đại đoàn kết, thì căn nhà đó chỉ do chính họ ở, không được sang nhượng, cho tặng bất kỳ ai. Sau này, họ có điều kiện thoát nghèo, có chỗ ở khác ổn định thì sẽ trả nhà lại, địa phương cấp cho hộ nghèo khác có nhu cầu hơn. Trường hợp hộ được xét không đồng ý các vấn đề trên, họ sẽ ký tên vào biên bản làm việc để tránh khiếu nại về sau.

“Việc rà soát, bình xét đối tượng được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, bài bản. Đồng thời, có sự phối hợp linh hoạt giữa các phường, xã trong việc “gửi” cư dân địa bàn này về nơi khác hỗ trợ nhà. Chính vì thế, sau 2 năm thực hiện mô hình này, chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất cứ phàn nàn, thắc mắc hay khiếu nại nào về việc xét chọn đối tượng” – bà Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Long Xuyên, cho biết.

Những nụ cười hạnh phúc của các hộ nghèo được bàn giao nhà Đại đoàn kết

Sau khi bàn giao nhà cho hộ dân, UBND phường, xã sẽ trực tiếp quản lý những khu nhà và nhân khẩu bên trong. Để tránh tình trạng “vườn không nhà trống”, bỏ đi nơi khác sinh sống, làm ăn như một số khu dân cư thông thường, địa phương sẽ thường xuyên lui tới tìm hiểu cuộc sống của từng hộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tâm tư của họ. Trước mỗi khu dân cư đều gắn bảng nội quy rất cụ thể, rõ ràng để mọi người nắm, thực hiện theo. Chính vì vậy, trong 170 hộ gia đình này, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Nhìn nhận về mô hình này, bà Võ Thị Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sông Hồng (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) – doanh nghiệp đầu tiên tham gia mô hình - chia sẻ: “Chúng tôi đã hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo nhiều nơi, nhưng thường theo dạng rải rác nơi này 1 hộ, nơi kia 1 hộ. Vì vậy, khi lãnh đạo TP. Long Xuyên dự định xây dựng khu nhà Đại đoàn kết tập trung cho hộ nghèo không có đất ở, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ ngay 50 căn, trị giá 2,3 tỷ đồng. Điều này rất thuận tiện cho quá trình xây cất lẫn quản lý chung, lại phù hợp tình hình thực tế của địa phương”.

Chuẩn bị quà để trao tặng các hộ nghèo vừa được có nhà mới

Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang cũng là một trong những đơn vị ủng hộ rất tích cực cho mô hình này. Ông Nguyễn Tấn Danh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Năm 2018, chúng tôi tài trợ cho TP. Long Xuyên 10 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo không có đất ở, trị giá 300 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều căn nhà và kinh phí xây dựng cầu, đường khác. Đối với tôi, mô hình nhà Đại đoàn kết của TP. Long Xuyên có nhiều điểm khác biệt. Thứ nhất, các căn nhà Đại đoàn kết nằm liền kề, tập trung theo khu vực, giúp bà con dễ dàng sinh sống, hỗ trợ lẫn nhau, lại thuận tiện cho quá trình xây dựng, quản lý của chính quyền địa phương. Thứ hai, quy định “luân chuyển” chủ nhà rất hợp lý: nếu đã thoát nghèo, có điều kiện cất nhà ở nơi khác, chủ nhà có thể rời đi, nhường lại căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khác có nhu cầu hơn. Đặc biệt nhất, tôi cảm nhận sâu sắc cái tâm, vai trò gương mẫu của người lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố. Chính sự tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của họ đã tạo sức lan tỏa cho mọi người, hòa quyện để có được kết quả tốt đẹp như hôm nay”.

Nước mắt của hạnh phúc

Mỗi lần nhà Đại đoàn kết được trao cho các hộ nghèo, cận nghèo không có đất ở, chúng tôi lại chứng kiến những giọt nước mắt của họ. Họ khóc vì mừng, vì tủi, vì hạnh phúc. 170 hộ gia đình là 170 mảnh đời khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là dù chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên, song những biến cố, sóng gió và vất vả của cuộc đời cứ ập đến. Loay hoay mãi trong nghèo khó, chạy ăn từng bữa, họ biết bao lần mơ ước về một căn nhà ấm cúng, dù nhỏ thôi, nhưng cũng là tài sản riêng của họ. Giấc mơ ấy cứ mãi xa xôi, cho đến ngày họ được địa phương trao chìa khóa căn nhà Đại đoàn kết. Không còn quãng thời gian sống tạm bợ ở nhà trọ, ở nhờ trên đất, trong nhà người quen hay căn nhà xiêu vẹo cặp kênh rạch... Rất nhiều hộ dân tâm sự với chúng tôi rằng: ngày đầu tiên bước vào nhà mới, họ tưởng mình đang mơ. Đêm đầu tiên trong căn nhà mới, họ không thể ngủ vì hạnh phúc cứ lẩn quẩn trong tim. Họ dành mấy hôm liền chăm chút lau từng viên gạch, đóng đinh treo ảnh Bác Hồ, thắp nhang bàn thờ ông bà, sắp xếp dọn dẹp lỉnh kỉnh đồ đạc – thật ra chẳng có gì đáng giá ngoài vật dụng cá nhân. Họ làm tất cả để chỉn chu tổ ấm, vun vén cho chuỗi ngày bình yên sắp tới, để bắt đầu sang trang mới của cuộc đời.

Ngoài hỗ trợ xây cất nhà, các tổ chức, cá nhân còn tặng quà và nhu yếu phẩm để hộ dân ổn định cuộc sống

Bà Nguyễn Thị Lượm (80 tuổi, Khu dân cư Đại đoàn kết Sông Hồng, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) là một trong những hộ nghèo đầu tiên “bỗng dưng có nhà” ở TP. Long Xuyên, khi mấy chục năm nay quen sống kiếp ở tạm. Bà tâm sự: “Từ nhỏ tới giờ, tôi lưu lạc nhiều nơi để sống lắm, chưa từng có căn nhà riêng. Nhiều khi phải đi xa, ở trong đồng sâu, cực khổ trăm bề. Sau này, tôi ở nhờ trên đất của một người họ hàng, nhưng cũng chỉ là căn nhà tạm bợ. Mỗi lần trời mưa, phải lấy thau hứng, vừa ngủ vừa “né dột”, thậm chí chui xuống sàn cho đỡ ướt. Phận ở nhờ đâu có sung sướng gì, lúc nào cũng lo bị lấy lại đất. Ai dè, được Nhà nước xét cấp cho căn nhà Đại đoàn kết, vợ chồng con cái tôi mừng hết biết. Chồng tôi vào ở trong nhà mới được vài tháng rồi qua đời vì bệnh. Trước khi mất, ổng yên lòng vì vợ con đã yên ổn, nhà cửa ổn định”.

Cũng như các hộ nghèo được xét cất nhà Đại đoàn kết khác, ông Trần Ngọc Long cảm thấy “không có gì vui hơn, vinh hạnh hơn” khi căn nhà của ông do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tài trợ và trao tặng. “Chúng tôi hiểu được Đảng, Nhà nước và các cấp ngành rất quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các hộ nghèo, khó khăn như chúng tôi. Bao nhiêu lời cảm ơn cũng không thể bày tỏ hết sự biết ơn Đảng, Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng sống thật tốt, làm việc thật chăm chỉ, giữ gìn ngôi nhà luôn sạch đẹp, khang trang, không phụ sự quan tâm của mọi người”.

Kỳ cuối: “Đại đoàn kết” từ trái tim đến trái tim

Bài, ảnh: GIA KHÁNH