Yap là một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Caroline ở tây Thái Bình Dương. Đây là một trong các bang của Liên bang Micronesia. Tại đây, nền văn hóa và truyền thống của người dân bản địa tương tự như các đảo lân cận.
Bản thân đảo Yap ban đầu có những người di cư từ bán đảo Mã Lai, quần đảo Indonesia, New Guinea và quần đảo Solomon. Khi tới đảo Yap nhỏ bé của Micronesian, du khách thường bị "mê hoặc" bởi cảnh sắc thiên nhiên biển đảo trong lành.
Những đồng tiền bằng đá vôi với đủ kích cỡ trên đảo
Nhưng điều kỳ diệu thực sự không đến từ khung cảnh bình dị, lời chào của những cô gái xinh đẹp trong bộ váy truyền thống mà chính là loại tiền tệ khác thường được người dân bản địa sử dụng.
Đó là hàng trăm đĩa đá khổng lồ nằm rải rác khắp nơi, từ bên ngoài khách sạn, số khác nằm gần bãi biển, trong rừng sâu hoặc ở làng bản. Thậm chí có những "đồng xu" kích thước lớn hơn người, nặng tới 4 tấn và không thể di chuyển.
Trên thực tế, trước khi sử dụng tiền xu và tiền giấy như thời hiện tại, con người trong các nền văn minh cổ đại đã sớm gán giá trị tiền tệ cho nhiều món đồ. Khi đó, tiền có thể là pho mát, muối, hạt ca cao, trà...
Một số quốc gia thời trung cổ dùng da sóc làm phương tiện trao đổi. Thời gian trôi qua, những loại tiền tệ này không còn sử dụng nữa và giá trị của nó chỉ còn là một phần của lịch sử.
Du khách chụp hình với một đồng tiền khổng lồ to hơn người thật
Quay trở lại với câu chuyện đồng tiền khổng lồ trên đảo Yap, theo giới thiệu của người dân, loại tiền tệ bằng đá này được họ sử dụng hàng thế kỷ qua, nhưng không ai nhớ rõ chúng xuất hiện từ khi nào. Chúng đều mang đặc điểm chung là rất nặng, làm từ đá vôi chở từ Palau sang. Đây là hòn đảo nằm cách đảo Yap chừng 400km về phía tây nam.
Nhiều du khách tới đây sẽ đặt câu hỏi, tại sao loại tiền trên đảo lại to và nặng nề đến vậy?
Vấn đề ở chỗ hòn đảo này vốn không có kim loại quý hay đá vôi làm tiền xu. Trước kia, những thủy thủ qua lại ở đảo Palau tìm thấy đá vôi trong mỏ đá. Ban đầu, họ chỉ làm những đồng xu bằng đá nhỏ còn gọi là "hòn đá Rai". Tuy nhiên, để có được số đá vôi này, các thủy thủ phải đối mặt với nhiều rủi ro và cả dân bản địa không mấy thân thiện.
Những thanh niên người bản địa
Hàng trình đưa đá vôi về Yap càng không đơn giản. Bởi vậy người dân khi đó rất coi trọng những đồng tiền của mình. Sau đó, đồng tiền đá trở thành tài sản và có thể mua bán xoay vòng.
Càng về sau, kỹ thuật tạc đá được hoàn thiện dần khiến những đồng xu đá lớn tới mức to hơn cả người thật. Sau khi trở thành loại tiền tệ, chúng được đục lỗ ở giữa để dễ vận chuyển.
Có những đồng tiền được đúc với trọng lượng và kích thước cần 20 người đàn ông trưởng thành di chuyển từ nơi này tới nơi khác. Khi đó, hệ thống tiền tệ của người dân dựa theo sự sở hữu truyền miệng. Tức là để mua một món đồ, họ chỉ cần sự chấp thuận của chủ sở hữu và di chuyển viên đá tới nơi là xong.
Giống như David O'Keefe, một thuyền trưởng người Mỹ gốc Ireland được người bản xứ giúp đỡ trong vụ đắm tàu gần đảo Yap. Sau đó, ông đã giúp đỡ người dân bằng cách lấy những đồng tiền Rai. Đổi lại, thuyền trưởng này nhận nhiều món hàng hóa như cùi dừa và hải sâm. Đây vốn là những món hàng rất có giá trị ở vùng Viễn Đông.
Hòn đảo có cảnh sắc mê hồn, không khí trong lành
Ngày nay, đồng đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ dùng trên đảo Yap cho các giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, trong các nghi lễ trao đổi truyền thống, những đồng tiền bằng đá vẫn được sử dụng.
Hiện tại, trên đảo vẫn còn những đồng xu có trọng lượng còn nặng hơn một chiếc ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 13.000 đồng xu đá cổ đủ mọi kích thước còn tồn tại, với đường kính từ 30cm tới 350cm.
Theo QUỐC VIỆT (Dân Trí)