Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020): Như cánh chim không mỏi, bay giữa bầu trời Việt Nam

19/05/2020 - 06:35

Trong lịch sử thế giới và nhân loại yêu chuộng hòa bình ở thế kỷ XX và mãi mãi sau này, chưa có một lãnh tụ nào được người dân kính phục, yêu mến, nhắc nhớ và tôn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thiếu nhi thủ đô Hà Nội thể hiện bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” trong giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”

Tình cảm Bác Hồ đối với đồng bào, dân tộc

Gắn liền với hành trình khát vọng suốt cuộc đời đi tìm đường cứu nước và xây dựng XHCN của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương con người. Nửa thể kỷ qua kể từ ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng, không thể kể hết được hàng ngàn bài ca, hàng trăm bản nhạc hát, viết về Bác. Song, hàng ngàn bài ca, hàng trăm bản nhạc ấy đều có một mẫu số chung, là ca ngợi tình thương yêu bao la của Bác đối với dân tộc, con người và nhân loại; và ngược lại, tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng bầu bạn quốc tế đối với Bác.

Trong hàng ngàn bài hát ngợi ca tình yêu bao la của Bác Hồ đối với đồng bào, dân tộc, có một bài ca cho đến bây giờ vẫn sống mãi và xúc động mỗi lần nghe, đó là bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến.

Khó có thể nói hết công lao to lớn của Bác được cả ngàn nhạc sĩ viết riêng cho Bác, song những ca từ mà Thuận Yến đưa ra để tạo thành bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” vô cùng độc đáo, trữ tình. Thanh cao mà giản dị, sang trọng mà gần gũi, triết lý nhưng rất đời thường. Những câu từ chỉ nghe thôi cũng đủ xúc động chứa chan: Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/ Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại/ Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/ Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hy sinh tận hiến vì dân tộc. Tình cảm của Người đối với dân tộc và nhân dân có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta ở giai đoạn quyết liệt. Giữa đêm đông giá lạnh nơi chiến trường Tây Bắc, Bác trằn trọc với vận nước, không ngủ được vì thương bộ đội. Nhà thơ Minh Huệ đã viết: “Anh đội viên thức dậy/ thấy trời khuya lắm rồi/ mà sao Bác vẫn ngồi/ đêm nay Bác không ngủ/ Lặng yên bên bếp lửa/ vẻ mặt Bác trầm ngâm/ ngoài trời mưa lâm thâm/ mái lều tranh xơ xác/ anh đội viên nhìn Bác/ càng nhìn lại càng thương/ người Cha mái tóc bạc/ đốt lửa cho anh nằm”.

Tình yêu thương bao la của Bác không phân biệt đẳng cấp, tướng - quân. Giữa rừng sâu núi thẳm trên chiến trường biên giới, chỉ có tình đồng chí, đồng đội cao hơn hết thảy và tình người sâu nặng nghĩa tình mà nhà thơ Minh Huệ một lần nữa đã thay lời khắc họa: “Rồi Bác đi dém chăn/ từng người từng người một/ sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Những vần thơ của Minh Huệ đầy cảm xúc ấy, sau này được nhạc sĩ Thuận Yến chuyển thể thành bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” ngợi ca tình yêu của Bác đối với bộ đội, dân công trong Chiến dịch Thu Đông 1947: “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương, Bác viết thư thăm hỏi, gửi muôn vàn tình thương”.

Nguyện thực hiện Di chúc của Người

Ngay sau khi Đảng ta thành lập, để ghi nhớ ngày “khai sinh”của Đảng và công lao của Bác, nhạc sĩ Huy Du cho ra đời ca khúc “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”. Những ca từ giản dị tràn đầy “ánh sáng trí tuệ” của một Đảng non trẻ sau nhiều năm vẫn nguyên giá trị về sự khát vọng hòa bình của dân tộc: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ánh sáng soi đường đưa ta về chiến thắng. Tổ quốc độc lập tự do muôn năm. Đất nước không quên chân lý mang theo tên Người. Việt Nam! Ta tiến vào kỷ nguyên ánh sáng...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời cõi nhân gian. Để bày tỏ tình cảm của dân tộc và bầu bạn quốc tế đối với công lao của Bác, nhạc sĩ Chu Minh đã sáng tác ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”. Sau 50 năm “Người là niềm tin tất thắng” vẫn là ca khúc thể hiện tình cảm sâu sắc nhất của dân tộc Việt Nam đối với Người: “Đất nước nghiêng mình đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/ Lời thề sắt son, theo tiếng gọi Bác gọi/ Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay”… Không ít bạn bè quốc tế rơi nước mắt khi nghe những ca từ: “Thế giới nghiêng mình loài người tiếc thương/Đây người chiến sĩ, đấu tranh cho tự do/ Người là ước mơ, của các dân tộc/ Tiếng Người vang vọng đến mai sau /Nguyện ước theo con đường Bác đi…”.

Có một điều khác lạ không giống như những lãnh tụ dân tộc khác, tất cả người dân đất Việt thời đất nước còn chiến tranh vệ quốc đến thời bình lặng im tiếng súng hôm nay, vẫn mãi mãi yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu bài thơ, hàng ngàn bài hát ngợi ca Bác không chỉ Bác là lãnh tụ giản dị, khiêm nhường, gần gũi nhân dân, mà còn tôn kính Bác bởi tình thương yêu bao la Người dành cho dân tộc. Ngược lại, cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái trai, thanh niên, bộ đội, tôn giáo đều tôn kính Bác. Những ca khúc thể hiện tình cảm của thiếu nhi Việt Nam đối với Người như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã, “Bác Hồ người cho em tất cả”. Những ca khúc thể hiện tình cảm của bộ đội đối với Bác như: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”…

Hơn 50 năm qua kể từ ngày Bác ra đi, hình ảnh Người vẫn trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt và bầu bạn quốc tế. Và mỗi năm đến ngày sinh của Người, những ca khúc hát về Bác vẫn vang vọng khắp năm châu.

MAI THẮNG