Theo ghi nhận của phóng viên Báo An Giang Online, tại TP. Long Xuyên, từ 6 giờ, các thí sinh đã có mặt tại các điểm thi. Nhiều em tỏ ra thoải mái và tự tin trước giờ làm bài.
Sau hai giờ làm bài, tại Hội đồng thi Trường THPT Long Xuyên, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái. Nhiều em cho biết đề thi khá “dễ thở”, tuy nhiên cũng có thí sinh “than” khó có thể đạt điểm cao.
Theo cấu trúc đề ra, ở phần nghị luận xã hội, dựa theo đoạn thơ trích dẫn trong bài “Trước biển”, thí sinh trình bày về sức mạnh, ý chí của con người trong cuộc sống. Riêng phần nghị luận Văn học (5 điểm) khó hơn, liên quan tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thí sinh Đặng Thanh Trúc, Trường THPT Long Xuyên cho biết, với cấu trúc đề đã cho, học sinh trung bình, khá có thể làm bài đạt điểm 5-6; chỉ những học sinh giỏi mới có thể làm bài đạt điểm cao.
“Phần nghị luận xã hội nói về sức mạnh, ý chí con người khá dễ viết, còn phần nghị luận văn học 5 điểm hỏi về tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" khó hơn. Em tự tin mình sẽ đạt 6 điểm trở lên”, thí sinh Trần Phương Nhi, Trường THPT Long Xuyên chia sẻ.
Thầy Võ Đình Hóa, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP. Châu Đốc) cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay không quá đánh đố thí sinh, nhưng khó hơn năm trước. Các câu hỏi có tính phân loại rất rõ ràng. Muốn làm bài đạt điểm cao, thí sinh phải có kỹ năng lập luận và cảm nhận rất tinh tế về vấn đề được nêu…
Một số hình ảnh buổi thi môn Ngữ văn:
Thí sinh gửi tư trang chuẩn bị vào phòng thi
Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi
Cán bộ coi thi kiểm tra Giấy dự thi trước khi cho thí sinh vào phòng
Các thí sinh thảo luận sau khi kết thúc thời gian làm bài
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn:
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Đoạn trích viết theo thể thơ: Tự do
Câu 2:
Nội dung của hai dòng thơ:
- Câu thơ nói lên những khó khăn, cực nhọc, vất vả của biết bao kiếp người.
- Ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó, hy sinh của con người.
- Thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những con người gắn bó cuộc đời với biển cả.
Câu 3:
Hiệu quả của phép điệp:
- Phép điệp giúp nhấn mạnh, tô đậm vẻ đẹp của biển cả: hào hiệp, kiên nhẫn, nghiêm trang…
- Từ đó, tác giả thể hiện tình yêu của mình với biển cả; khẳng định, ca ngợi phẩm chất của con người lao động;
- Tạo nhịp điệu cho câu thơ: nhanh, gấp gáp như lời kể về câu chuyện của biển cả muôn đời.
Câu 4:
Học sinh đưa ra những suy nghĩ của bản thân về hành trình theo đuổi khát vọng của con người.
Gợi ý:
- Khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trong cuộc sống.
- Hành trình theo đuổi khát vọng không bao giờ là đơn giản, thuận lợi, có những hi sinh, những mất mát.
- Nhưng trên tất cả là sự hiên ngang, ý chí nghị lực phi thường luôn sẵn sàng tiến về phía trước.
- Khi đủ đam mê để theo đuổi tận cùng khát vọng, bạn sẽ gặt hái những thành công, những kinh nghiệm hay bài học quý giá.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giới thiệu vấn đề: Sức mạnh của ý chí
2. Giải thích
- Ý chí: là ý thức, tinh thần tự giác, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ đạt cho bằng được mục đích.
- Ý chí chính là con đường về đích sớm nhất, khiến con người đạt được ước mơ và hoàn thành được mục tiêu.
3. Bàn luận
* Vai trò của sức mạnh ý chí:
- Ý chí giúp con người có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành công.
- Đối với học sinh, ý chí là điều vô cùng quan trọng giúp các em có đủ tự tin và thành công trong học tập. Gặp những bài toán khó, những bài văn với ý nghĩa sâu xa, thay vì việc "bó tay" hoặc bỏ cuộc, ý chí sẽ giúp các em có thêm niềm tin để tiếp tục tìm hiểu, khám phá và đi đến những kết quả cuối cùng.
* Biểu hiện:
- Từ xưa tới nay, dân tộc ta với truyền thống đánh giặc giữ nước kiên cường, dân tộc ta được xem là dân tộc có ý chí. Từ Bà Trưng Bà Triệu – những nữ vương đánh giặc đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, đến những nghĩa sĩ Cần Giuộc,… họ đều tay không bắt giặc mà vẫn làm nên những kì tích. Ngày nay, thời bình, thế hệ con cháu lại càng cần có ý chí hơn nữa để đưa đất nước phát triển vững mạnh….
- Con người trên hành trình cuộc đời cũng vậy, như bơi giữa biển lớn, nếu không có ý chí khát vọng, làm sao có thể cập bến hạnh phúc. Khổ thơ của Vũ Quần Phương bên cạnh việc ngợi ca khát vọng còn đề cao sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
* Bàn luận mở rộng vấn đề
- Ý chí không tự sinh ra, cũng không phải là thiên hướng bẩm sinh nên đừng tự nhủ là bản thân không có ý chí, đó chỉ là sự bao biện.
- Hãy rèn luyện cho bản thân có ý chí thép từ những hành động nhỏ nhất.
- Thật đáng buồn cho những kẻ không có ý chí, thấy khó khăn là nản lòng, thấy thử thách là chùn bước. Những kẻ đó sẽ chỉ trông vào sự thương hại và giúp đỡ của người khác mà thôi.
* Liên hệ bản thân và rút ra bài học: Ý chí có vai trò quan trọng trong công việc, học tập, Mỗi người cần phải rèn luyện ý chí cho bản thân để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
TRUNG HIẾU - TRỌNG TÍN