Ký ức 2 lần gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

15/09/2023 - 20:13

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của mỗi đời người. Dẫu vậy khóe mắt tôi vẫn cay cay khi biết tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần.

Sáng 14-9, giống như mọi ngày, trước khi vào làm việc, tôi mở điện thoại đọc tin tức. Zalo của người bạn có tên "Dũng tuyên huấn" hiện lên dòng chữ: "Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần, hưởng thọ 65 tuổi".

Mắt tôi nhòe đi, ký ức về 2 lần gặp Thượng tướng bỗng trở về sống động hơn bao giờ hết.

Lần thứ nhất, ngày 14-6-2017, tôi cùng đồng đội Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 đón Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Sáng ấy, chúng tôi quân phục chỉnh tề xếp hàng ngay ngắn đứng trên quân cảng chờ đón. 9 giờ sáng, nắng như đổ lửa.

Trực ban cảng vụ tuýt một hồi còi dài báo hiệu Thượng tướng thăm tàu. Tôi cầm máy ảnh từ xa đưa ống kính về phía Thượng tướng cùng đoàn công tác.

Tháp tùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thăm tàu hôm ấy có Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh Hải quân, Thượng tá Trần Chí Tâm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 và các đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng.

Trước khi đi kiểm tra nơi ăn nghỉ, vũ khí trang bị của tàu 18, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đi bắt tay thân mật từng cán bộ quản lý và các chiến sĩ.

Người được Thượng tướng bắt tay sau cùng là tôi. Thượng tướng nói: "Ngày xưa mình như cậu, đeo hàm trung úy khi trẻ măng. Đời lính biển vất vả, gian lao, nhưng kiêu hãnh lắm". Bàn tay Thượng tướng ấm áp siết chặt. Tôi xúc động rưng rưng chỉ biết nói câu "Cảm ơn thủ trưởng".

Hành lang tàu 18 chật hẹp, tôi phải "len, vượt" để ghi được những tấm ảnh cận nhất, rõ và đẹp nhất.

Đứng tại ca-pin của tàu, Thượng tướng nói trước đông đảo cán bộ chiến sĩ: "Lữ đoàn 171 có bề dày lịch sử trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và phong tỏa thủy lôi địch, có công lớn trong chiến dịch mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Các đồng chí phải phát huy chiến thắng đó, nhân nó lên thành sức mạnh chiến đấu bằng nội lực quân sự từng cá nhân, từng tập thể. Vùng biển, đảo các đồng chí đang quản lý canh giữ là vùng biển trọng điểm, có tiềm lực kinh tế quan trọng của đất nước…

Chúng ta có thể gian khổ, thậm chí hi sinh, nhưng biển đảo của Tổ quốc phải được giữ vững".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với cán bộ quản lý Lữ đoàn 171 Hải quân - Ảnh Mai Thắng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với cán bộ quản lý Lữ đoàn 171 Hải quân - Ảnh Mai Thắng

Lần thứ hai tôi cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân đón Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đến thăm là ngày 24-5-2018. Vẫn tác phong thân tình, giản dị của người lãnh đạo, Thượng tướng đi bắt tay thân mật từng chiến sĩ trên tàu.

Sau kiểm tra vũ khí trang bị và nơi ăn, nghỉ sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dành ít phút ngắn ngủi trên boong tàu nói chuyện với các sĩ quan, chiến sĩ trẻ.

Có một sĩ quan trẻ thắc mắc: "Trên không gian mạng có thế lực tuyên truyền rằng chính quyền Việt Nam có sự nhượng bộ về vấn đề Biển Đông". Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời ngay: "Không lãnh đạo Việt Nam nào có ý định nhượng bộ về chủ quyền. Nếu để mất Biển Đông, tất cả chiến sĩ quân đội, lãnh đạo đều có tội với dân"…

“Sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật của mỗi đời người. Dẫu vậy khóe mắt tôi vẫn cay cay khi biết tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần.

Vĩnh biệt Nguyễn Chí Vịnh - vị tướng giàu trí tuệ và luôn thương yêu chiến sĩ như người thân. Vĩnh biệt chàng trung úy Trường sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật thông tin của cuối thập niên 50 của thế kỷ 20. Vĩnh biệt vị tướng có biệt danh "binh bét" mà người cha đáng kính, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đã đặt cho ông.

Lòng đất mẹ Thừa Thiên- Huế chờ đón ông về.

Cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân nói riêng luôn nhớ về ông. Riêng tôi – mãi nhớ cái bắt tay siết chặt ấm áp, ấm lòng, nghĩa tình đồng đội của ông ngày ấy.

Theo MAI THẮNG (Người Lao Động)