Sự ân cần, vỗ về và yêu thương của bà là món quà vô giá trong ký ức tuổi thơ của mỗi người trẻ TẤN HIỆP
Khó quên mái tóc bạc trắng
Mái tóc bạc phơ, được búi lên cuộn tròn tỉ mẫn, cài cây trâm xuyên qua của bà, là ấn tượng khó quên trong tâm trí của Nguyễn Ngọc Ánh (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), về bà của mình.
Ánh chia sẻ: “Hồi nhỏ, cứ săm soi mái bạc trắng của bà suốt từ sáng đến tối. Cũng nhờ bà chỉ, mà mình biết các búi tóc từ lớp một. Bà hay dặn, đầu tóc là vóc con người. Nên mình luôn giữ gìn mái tóc bản thân, và hình tượng mái tóc bà, tuy bạc trắng nhưng suông mượt, thẳng tắp là thứ mà mình sẽ theo đuổi về sau”.
Mái tóc bạc phơ của bà tôi TẤN HIỆP
Còn với Phan Thị Thu Hồng (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), thì luôn nhớ những lần ngồi chăm chú nhổ tóc ngứa cho bà. Hồng cho biết, bà Hồng năm nay ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc dần nhưng luôn gặp những cọng tóc ngứa làm bà khó chịu. Ngày trước, khi thèm bánh, Hồng thường “dụ” bà nhổ tóc ngứa lấy tiền mua bánh.
“Giờ khi trưởng thành, mỗi lần về quê chỉ cần nhìn thấy bà là chạy ngay đến xin bà nhổ tóc ngứa, rồi vừa nhổ vừa tâm sự cùng bà. Thấy mái tóc bà, như thấy lại tuổi thơ của mình”, Hồng chia sẻ.
Mê nghe kể chuyện
Những câu chuyện cổ tích mơ mộng, những cảnh ly kỳ trong thần thoại, dường như khi gắn bó với bà, đứa trẻ nào cũng từng được nghe, và ở thời bé thơ đó đều tin răm rắp. “Bà kể chuyện giọng trầm ấm, tuy chỉ có nghe tiếng nhưng còn hay hơn khi mình xem ti vi có hình ảnh trực quan nửa. Bà hay kể chuyện về những người tham lam, độc ác sẽ gặp quả báo, ở hiền sẽ gặp lành. Làm mình có thêm vốn sống qua từng mẫu chuyện của bà”, Dương Hồng Phúc, (học sinh Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM), nói.
Phúc cũng cho biết lúc còn nhỏ, đêm nào cũng bắt bà phải kể chuyện cho phúc nghe đến tận khuya. Nhưng giờ đây, khi bà đã rời xa Phúc vĩnh viễn, thì những câu chuyện, những đêm khó ngủ, Phúc lại nghe đâu đó giọng kể chuyện của bà mình văng vẳng bên tai.
Nguyễn Thị Thanh Thanh (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) cho biết hiện Thanh đang là sinh viên ngành sư phạm mầm non. Sở trường của Thanh là kể chuyện. Bởi từ nhỏ, Thanh đã được nghe bà kể rất nhiều câu chuyện vui. Từ đó, hun đút trong Thanh việc sẽ trở thành một người kể chuyện thật hay, nên Thanh đã thi vào ngành mầm non để sau này dạy các em nhỏ.
Nhớ sự vỗ về
Tuổi thơ là của mỗi người là những trò nghịch ngợm, nên chẳng tránh khỏi những trận đòn. Nhưng nếu may mắn có bà, chắc hẳn sẽ tránh được những trận đòn ấy. Phạm Trinh, làm tại tiệm nhôm kính trên đường Hoàng Diệu 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM, kể: “Mỗi lần ba đánh tôi, bà đều cản. Nên ba tôi hay nói, cháu hư tại bà. Nhưng tôi thì lại không thấy vậy, chỉ thấy bà giúp tôi hiểu được, không phải lúc nào dùng roi đánh cũng khiến con cái hiểu, nghe. Thay vào đó, như bà tôi dùng lời nói vẫn cảm được tôi. Cũng từ những sự dỗ dành phân tích của bà, tôi biết nghe lời hơn”.
“Mình là cháu đích tôn, nên bà nội rất yêu thương. Bà rất hiếm khi la mắng, mỗi lần khóc bà đều là người dỗ mình đầu tiên. Mình không có anh trai, hơi thiệt thòi. Nhưng mỗi lần bị ai ăn hiếp, bà nội đều đòi lại công bằng cho mình. Ở trên lớp có chuyện gì, mình luôn tâm sự với bà nội. Dù nhà mình chỉ có một con, thiếu anh chị, nhưng bù lại có bà nên tuổi thơ mới bớt chán”, Ngô Quang Trường, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.
Trường cũng cho hay, bố mẹ bận buôn bán, sáng đi đến tối mịt mới về. Từ nhỏ, Trường đã được bà nuôi nấng. Bà gắn chặt với tuổi thơ của cậu. Giờ khi đi làm xa, mỗi khi về quê, việc đầu tiên của Trường là lại chạy đến ôm bà. Bởi theo Trường, đó là cách để cậu tìm lại cảm giác ấm áp ngày bé.
Theo TẤN HIỆP (Thanh Niên)