Thị trường bất lợi
Tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 (do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dưới tác động của lạm phát, bất ổn chính trị, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đối mặt nhiều khó khăn.
Đa phần nhà bán lẻ ở các thị trường chính có xu hướng giảm nhập khẩu để giảm lượng tồn kho, tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ước cả năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so năm 2022.
Mặc dù các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng nỗ lực giải quyết khó khăn khách quan đến từ thị trường nhập khẩu, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm, trong đó thị trường Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, Liên minh Châu Âu (EU) giảm hơn 17%, thành viên CPTPP (các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) giảm gần 27%. Trong khi đó, thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia… tăng trưởng dương so năm 2022, nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan của thị trường và bất ổn chính trị thế giới, các đại biểu, DN thừa nhận rằng, còn có nguyên nhân chủ quan khi sản phẩm cá tra của Việt Nam đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn. Bên cạnh đó, công đoạn giống, nuôi thương phẩm, thức ăn chiếm tỷ trọng lớn (70 - 80%) giá thành sản xuất; một số cơ sở chưa đảm bảo chất lượng con giống; một số DN chưa quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra, còn cạnh tranh bằng giá bán thay vì chất lượng...
Kỳ vọng điểm sáng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 giảm sâu so năm 2022, nhưng vẫn tăng 26% so năm 2021 và tương đương năm 2020; so với giai đoạn trước dịch COVID-19 (năm 2019), chỉ giảm 4%.
Đại diện VASEP cho biết, 6 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu liên tục giảm. Bước sang quý III, khoảng cách giảm được thu hẹp; từ tháng 10/2023, xuất khẩu có dấu hiệu tích cực hơn. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 15% trong tháng 10; xuất khẩu sang Brazil tăng trưởng liên tục 4 tháng với mức tăng từ 35 - 57%; Mexico tăng trưởng 10%; riêng thị trường Hoa Kỳ vẫn giảm 43%. Nhu cầu tăng trở lại giúp xuất khẩu cá tra tháng 10 và 11 đạt cao hơn các tháng trước.
Trong bối cảnh khó khăn, sự phục hồi nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc, EU là những tín hiệu tích cực. Đối với thị trường CPTPP, dù có thu hẹp nhẹ nhưng một số nước trong khối CPTPP, như: Nhật Bản, Mexico, New Zealand... ghi nhận tăng trưởng dương từ 10 - 70%. “Việc Anh trở thành thành viên mới của CPTPP sẽ tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối, thúc đẩy thương mại trong khối thuận lợi hơn” – VASEP đánh giá.
Quý III/2023, tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ đạt mức cao nhất trong 2 năm qua; động lực tăng trưởng chính đến từ tiêu dùng. Dự báo năm 2024, kinh tế Hoa Kỳ có nhiều điểm sáng hơn, người dân có thể mở hầu bao cho tiêu dùng và dịch vụ. Sau khi giảm tồn kho giá cao từ năm 2022, thị trường Hoa Kỳ có thể quay lại sôi động hơn.
Bên cạnh đó, kết luận cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) trong đợt thanh tra vừa qua, cùng với mức thuế thấp đặt nhiều hy vọng cho DN cá tra thâm nhập thị trường này vào năm 2024. Sự hồi phục của các thị trường Nam Mỹ (Brazil, Mexico), Đức và Anh sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm nay, kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sắp tới.
Doanh nghiệp phải chủ động
Trong bối cảnh diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm thì 2 tỉnh đầu nguồn chủ lực (An Giang và Đồng Tháp) vẫn duy trì tăng. Cụ thể, diện tích cá tra thu hoạch của An Giang năm 2023 là 1.504ha (tăng 40ha so năm 2022), sản lượng 575.000 tấn (tăng 29.000 tấn); còn Đồng Tháp ước đạt 525.000 tấn (tăng 3,9%). Hai địa phương cũng đi đầu trong sản xuất cá tra giống: Ở An Giang khoảng 1,8 tỷ con, Đồng Tháp gần 1,2 tỷ con. Điều này cũng hợp lý, bởi 2 địa phương có lợi thế sản xuất cá tra hàng đầu vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đà lạm phát toàn cầu đang được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Dự báo sản lượng cá tra năm 2024 sẽ tăng 2,8% so năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL (nhất là An Giang và Đồng Tháp) cùng các DN sản xuất, chế biến cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống, ứng dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn để giảm giá thành, chi phí nuôi, liên kết sản xuất, giám sát chặt chẽ chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đối với DN, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo phân khúc thị trường khác nhau. Bên cạnh củng cố thị trường truyền thống, cần mở rộng thị trường mới, thực hiện chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của thị trường Hồi giáo (Halal) – thị trường có tiềm năng lớn với hơn 1 tỷ người. Đồng thời, quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học...
Theo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, khi thị trường không quá sôi động thì các hộ nuôi, DN nên tận dụng thời gian này để chuẩn bị vùng nguyên liệu cá tra đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp. Trong lúc gian khó, có thể thấy Châu Âu là khối thị trường quan trọng cần gìn giữ, phát huy. Từ đây, xây dựng thương hiệu để hình thành mạng lưới thị trường tiêu dùng cá tra vững chắc hơn, tạo uy tín trong mắt người tiêu dùng quốc tế.
|
NGÔ CHUẨN