Ghe, xuồng tấp nập
Chiếc vỏ lãi gắn máy công suất lớn chạy “xé gió” lướt trên dòng kênh Ruột (xã Nhơn Hội, huyện An Phú) đưa chúng tôi đi ngắm cánh đồng mùa nước lũ. Dòng kênh này dẫn nước từ nhánh sông Phú Hội cuồn cuộn phù sa, mang theo lượng thủy sản dồi dào. Từ đây, nguồn cá sinh sôi, lớn dần trên đồng trong 3 tháng lũ. Tận dụng điều kiện phong phú của thiên nhiên, ngư dân ven biên giới tranh thủ ngư cụ khai thác cá, tôm sôi động. Gần tới điểm tập kết cá đồng (người dân quen gọi là “chợ kênh Ruột”), những chiếc vỏ lãi chạy xuôi ngược chẻ nước ồ ạt bán cá cho thương lái. Chiếc này vừa cặp bến bán cá thì chiếc kia rời đi trong niềm phấn khởi.
Tấp vào chiếc ghe lườn khẳm đừ của bà Hồ Thị Nói (Hai Nói, 56 tuổi), không khí lựa cá trên ghe sôi động. Từng rổ cá được con của bà xúc lên phân loại. Những con cá heo, chạch, trèn bầu, trèn răng, kết bạc… bơi rộ nước, trông mê mắt. Từ trước đến nay, đã nghe ngóng được dòng kênh này có nhiều ghe xuồng đánh bắt và thu mua cá rất đông, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được “mục sở thị” nguồn cá đồng nhiều đến vậy. Khác với các chợ cá ở nơi khác trong mùa lũ, ở khu vực này ngư dân mang loại cá ngon vừa bắt trên đồng chở về. Lượng cá ngon nhiều, giá cả cũng rẻ hơn. “Cá chạch, kết bạc, trèn dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, vậy mà có người chê đắt chú em ơi!” - bà Hai Nói xởi lởi.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe nguồn cá ngon ở đây giá rẻ đến vậy. Nếu những loại cá này về đến tận các chợ thành thị, bạn hàng bán lẻ từ 200.000 - 350.000 đồng/kg. Quả thật, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho ngư dân vùng biên nhiều cá ngon. “Trên cơm, dưới cá. Cá lớn, cá bé nhiều lắm! Nhiều lúc ăn không hết phải làm khô, mắm dự trữ bán dần quanh năm” - bà Hai Nói cười khúc khích. Nghe bà Hai Nói khoe nguồn đặc sản ăn không hết, chúng tôi cảm nhận được sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho bà con nghèo ven biên “túi cá đồng” nhiều không tả nổi. Từ bao đời nay, nhờ nguồn thủy sản dồi dào đã giải quyết việc làm cho số đông bà con mưu sinh theo con nước.
“Tập đoàn” nữ lái cá
Điều độc lạ tại chợ kênh Ruột này không phải là “cánh mày râu” làm lái cá, mà chính là các bà, các chị phụ nữ “chân yếu, tay mềm” hàng ngày lầm lũi trên đồng thu mua cá của ngư dân. Họ được ngư dân ví von như “nữ tướng” của “tập đoàn” thu mua cá đồng. Hỏi ra mới biết, họ làm ăn hàng chục năm trên đồng nước. Ngồi gần mũi ghe, bà Hai Nói tâm sự đã có trên 30 năm trong nghề lái cá đồng. Năm nào cũng vậy, lũ về là bà Nói có mặt tại đây để thu mua cá linh. Chiếc ghe đã gắn chặt với thân phận lái cá của bà Hai Nói. Năm nào lũ lớn, cá, tôm nhiều, bà Hai Nói có thu nhập khá hơn. Ngoài ra, bà Nói còn tận dụng nguồn cá đồng để làm thức ăn chăn nuôi cá lóc bông nuôi trên sông Phú Hội, cuối năm xuất bán kiếm tiền xài Tết.
Cái nắng vừa qua khỏi bụi tre, bà Hai Nói “chỉ huy” cho đứa cháu mình (cũng là tay lái nữ) dong chiếc ghe đục lừ đừ rẽ nước mang cá về vựa cân cho bạn hàng đường xa. Riêng bà Nói thì tiếp tục ở lại cân cá đầy chiếc ghe đục thứ 2. Nhớ về thời quá khứ, bà Hai Nói kể, hồi trước, mỗi khi lũ “bêu” đồng (nước lên cao), bà thu mua cá, tôm nhiều lắm! Nhiều khi, trúng ngay con nước cá ra, bà cân được nhiều tấn cá ngon đủ loại. Có thâm niên trong nghề, bà Nói được ngư dân nước bạn Campuchia biết đến và mang cá sang bán. Nhờ vậy, nguồn cá thu mua rất phong phú. “Hồi đó, khi con nước phân đồng, cá trèn, cá kết loại 3 ngón tay nhiều lắm! Loại cá này, tôi thu mua rồi giao lại cho cơ sở làm khô bán trong dịp Tết, có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg” - bà Hai Nói nhớ lại.
Rời ghe của bà Hai Nói, chúng tôi đến rặng tre gần đó có nhiều xuồng cá ghé bán sôi động. Ghé vào chiếc ghe đục của bà Năm Xuyên (63 tuổi), nữ lái cá trứ danh vùng biên. Ở cái tuổi “lục thập”, vậy mà bà Năm Xuyên vẫn hăng hái cùng con mình chạy chiếc ghe lườn thu mua cá đồng. Bà cho hay, đã 35 năm gắn bó với dòng kênh này qua bao mùa nước nổi. Hàng ngày, bà Năm Xuyên thu mua cá trên 30 đầu xuồng của ngư dân khai thác cá trong đêm trên đồng lũ. Nghề buôn cá cũng lắm thăng trầm theo con nước. “Năm trúng, năm thất, cá mắm không có nhiều hoài đâu chú em ơi! Năm nào cá nhiều thì làm ăn có đồng vô, đồng ra ổn định. Có năm cá ít, thu nhập rất bấp bênh” - bà Năm Xuyên bày tỏ.
Mờ sáng, bà Năm Xuyên cùng con mình thu mua cá trên đồng
Chợ kênh Ruột nhóm họp từ lúc sáng sớm đến khoảng 10 giờ là tan chợ. Đứng trên đồng nước, chúng tôi trông trời xa thấy những chiếc vỏ lãi cuối cùng chạy hối hả mang cá về kịp cân cho thương lái. Thật lạ, con nước càng “bêu” đồng, thì lượng cá linh giảm mạnh. Nhanh tay kéo rọng cá lên ghe, bà Năm Xuyên giải thích, con nước lên càng cao thì cá linh lội trên mặt nước qua khỏi luồng đú, rồi theo các tuyến kênh ra sông xuôi theo dòng nước. “Dạo rày, nguồn cá linh chạy không nhiều! Mỗi ngày, ghe đục của tôi thu mua khoảng trăm ký cá linh rọng sống cân cho bạn hàng bán lẻ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nhưng bù lại, con nước càng cao thì nguồn cá ngon càng nhiều, ngư dân và thương lái có thu nhập cao. Cá heo loại 30 con/kg, cân xô 100.000 đồng/kg, cá leo loại 3 ngón tay 120.000 đồng/kg” - bà Năm Xuyên cho hay.
Gần trưa, trên đồng lũ thưa dần tiếng máy nổ của những chiếc vỏ lãi, bà Hai Nói, bà Năm Xuyên thúc giục con mình dong ghe chở cá về kịp bán chợ xa. Từ đây, con cá, con tôm được phân phối cho mối lái bán lẻ khắp nơi.
LƯU MỸ