Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trong đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống đang được áp dụng tại các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)...
Cụ thể, ACB áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,1%/năm cho khoản tiền giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất cho kỳ hạn này là 6,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 5,3%/năm, thấp hơn trước đó 0,2-0,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) trong tháng 11 này vẫn duy trì lãi suất tiền gửi cao nhất là 7,0%/năm với sổ tiết kiệm giá trị từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng. Dưới 200 tỷ đồng, lãi suất cao nhất chỉ 5,6%/năm.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) có lãi suất cao nhất là 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) với 6,85%/năm... Tuy nhiên các ngân hàng này đều đưa ra điều kiện riêng cho khách hàng muốn được hưởng mức lãi suất này là giá trị khoản tiền gửi phải từ 200-300 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi từ 12-13 tháng.
Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) lãi suất cao nhất cũng lên tới 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 6,8%/năm... lại chỉ quy định về kỳ hạn gửi từ 12 hoặc 15 tháng trở lên mà không kèm điều kiện về giá trị tiền gửi.
Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lãi suất tiết kiệm tháng 11 vẫn giữ ổn định. Lãi suất cao nhất trong nhóm ngân hàng này đang là 5,6%/năm tại VietinBank và 5,5%/năm ở 3 ngân hàng còn lại.
Đối với khoản tiền gửi thông thường, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng dao động từ 4,85-6,8%/năm.
Lãi suất huy động trung bình tiếp tục ghi nhận diễn biến giảm nhẹ trong tháng 10 vừa qua đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,7% và 5,5% vào thời điểm cuối tháng 10.
Nhận định về diễn biến lãi suất huy động thời gian tới, các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) giữ quan điểm mặt bằng lãi suất huy động - cho vay sẽ được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV. Trong khi đó, các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.
Trong khi đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng trong tháng 11 dao động từ 6-25%/năm tùy thuộc hình thức vay hoặc cách tính lãi suất. Thông thường, mức lãi suất cho vay tín chấp dao động từ 16-25%/năm, còn lãi suất cho vay thế chấp dao động từ 10-12%/năm.
Đáng chú ý, một số ngân hàng đang triển khai các gói cho vay mua nhà, mua xe với lãi suất cạnh tranh.
Cụ thể, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà từ 5,49%/năm và vay mua xe từ 6%/năm đối với khách hàng cá nhân. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), các gói vay mới ở các sản phẩm như "Vay mua nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng, cải tạo nhà ở", "Vay mua ô tô", "Vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm", "Vay bổ sung vốn kinh doanh trung dài hạn" và "Vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn" có lãi suất từ 6,5%/năm.
Còn với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang có chương trình lãi suất ưu đãi từ 5,8%/ năm dành cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhu cầu vay vốn để mua ôtô. Hạn mức cho vay của chương trình này lên đến 85% giá trị xe (tối đa 2 tỷ đồng), thế chấp bằng chính chiếc xe mà khách hàng mua hoặc bằng tài sản khác như bất động sản. Thời gian vay tối đa lên tới 96 tháng.
Theo LÊ PHƯƠNG (Báo Tin Tức)