Làm ống hút từ cỏ lác

28/11/2022 - 07:17

 - Nghiên cứu từ quy trình sản xuất ống hút cỏ bàng, sậy, tre, gạo… thầy Nguyễn Hữu Chí (Trường THCS Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã vận dụng để làm ống hút từ cây cỏ lác. Công trình được đưa vào giảng dạy và hướng dẫn học sinh tham gia, vừa tạo được sản phẩm mới, vừa giáo dục sinh động về giải pháp bảo vệ môi trường.

Đề tài nghiên cứu của thầy Chí có thêm sự hỗ trợ của 2 giáo viên cùng đơn vị. Từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, nhóm giáo viên nghiên cứu, đánh giá từng giai đoạn thực hiện. Trong khu vực trường có điểm trồng cỏ lác, làm nơi giới thiệu về quy trình gia công cây cỏ lác làm ống hút.

Thầy Chí cho biết, ống hút nhựa được xếp vào nhóm các loại rác thải khó phân hủy và là một trong số những loại rác thải gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Khoảng 8,3 tỷ ống hút nhựa được tìm thấy và đang gây ô nhiễm đại dương trên toàn thế giới.

Trong khi đó, cây cỏ lác (cây thủy trúc) thuộc họ cói, là một loại cây không độc, rất dễ trồng, có thể sống được cả trong môi trường nước và đất. Khi khô, thân cỏ lác có hình tròn, dẻo, trơn, đường kính từ 3 - 6mm rất phù hợp để làm nguyên liệu sản xuất ống hút thay thế ống hút nhựa.

Ở Việt Nam và nước ngoài, đã có các công trình nghiên cứu về ống hút thân thiện với môi trường, như: Ống hút cỏ bàng, ống hút sậy, ống hút gạo, ống hút tre… được chia sẻ và giới thiệu đến người tiêu dùng. Kế thừa quy trình sản xuất các loại ống hút trên để sản xuất ống hút từ cây cỏ lác là rất phù hợp.

Hướng dẫn học sinh về quy trình làm ống hút từ cỏ lác

“Chương trình giáo dục STEM hiện nay là một chương trình giáo dục gắn liền với thực tiễn cuộc sống đang được áp dụng trên thế giới và dần được triển khai tại Việt Nam như một hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. Việc kết hợp quy trình sản xuất ống hút từ cây cỏ lác vào giảng dạy tại trường THCS nói chung và Trường THCS thị trấn Chợ Vàm nói riêng để giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp” - thầy Chí chia sẻ.

Trong 1 năm, giáo viên đã tổ chức chuyên đề xây dựng phương pháp giảng dạy nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp tại trường. Song song đó, tổ chức tập huấn giới thiệu cho học sinh một số quy trình sản xuất ống hút cỏ bàng, ống hút tre. Có 40 học sinh của các khối lớp 6, 7, 8, 9 tại Trường THCS thị trấn Chợ Vàm, tham gia đề tài, mỗi nhóm có 10 em. Học sinh được xây dựng quy trình và thực nghiệm sản xuất ống hút từ cây cỏ lác.

Sản phẩm ống hút hoàn thiện

Sở Khoa học - Công nghệ đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho đề tài này, nhằm nghiên cứu quy trình sản xuất ống hút từ cây cỏ lác trong nhà trường, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và là tiền đề định hướng học sinh khởi nghiệp, sáng tạo. Kinh phí hỗ trợ hơn 98,2 triệu đồng, trong đó, ngân sách khoa học - công nghệ tỉnh hỗ trợ hơn 49,1 triệu đồng.

Theo hướng đẫn của giáo viên, học sinh tự trồng hoặc thu hoạch cỏ lác từ nơi khác để gom đủ số lượng thực hành. Nguyên liệu được làm sạch lần 1 trong nước thông thường, kế tiếp ngâm trong nước rửa rau củ để khử chất độc, sau đó rửa lại lần 3 bằng nước sạch và đem phơi nắng trong 1 tiếng.

Thân cỏ lác được cắt thành từng đoạn dài 20-25cm. Sau sơ chế, thân cỏ được làm rỗng, giao cho mỗi nhóm học sinh tiến hành gia công 500 ống hút. Ở công đoạn này, cỏ lác được làm sạch lần nữa, tuần tự theo các bước rửa sơ chế ban đầu và đem sấy khô bằng máy trong 3-4 tiếng hoặc phơi nắng 4-5 tiếng. Sản phẩm hoàn thiện là ống hút có độ dẻo dai, không giòn gãy, được khử trùng, đóng gói vào hộp.

Sản phẩm ống hút của các nhóm và giới thiệu mô hình giảng dạy nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh được tổ chức báo cáo, đánh giá kết quả. Hội thảo có các khách mời là đại diện của các cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trạm Bảo vệ thực vật và trồng trọt huyện Phú Tân, Ban Giám hiệu Trường THCS thị trấn Chợ Vàm, học sinh.

Thầy Chí cho biết, qua kết quả khảo sát học sinh cho thấy, các em đã nắm được quy trình sản xuất ống hút làm từ cây cỏ lác, 100% học sinh chấp nhận mô hình dạy học trải nghiệm. Đề tài còn tiến hành khảo sát lấy ý kiến người tiêu dùng về ống hút làm từ cây cỏ lác trong viên chức, học sinh, người lao động. Kết quả khảo sát chất lượng ống hút làm từ cây cỏ lác cho thấy có khoảng 80 - 97% người đánh giá chất lượng tốt trở lên và khoảng 97 - 100% người sẵn sàng lựa chọn sử dụng loại ống hút này.

Bên cạnh đó, từ đề tài này có thể vận dụng mô hình dạy học trải nghiệm quy trình sản xuất nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở tất cả các trường THCS thuộc các vùng khác nhau của xã, huyện và tỉnh. Tùy điều kiện của mỗi trường, giáo viên có thể lựa chọn các quy trình sản xuất phù hợp. Sản phẩm ống hút từ cỏ lác của thầy Nguyễn Hữu Chí đã được Hội đồng khoa học - công nghệ xếp loại khá.

Là người công tác nhiều năm và đóng góp rất nhiều sáng kiến thiết thực trong giáo dục, thầy Chí chia sẻ, mô hình dạy học trải nghiệm quy trình sản xuất, nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh không đòi hỏi học sinh phải làm các sản phẩm quá toàn mỹ. Mục đích chính là giúp các em có thể tự khám phá thêm những quy trình sản xuất khác để tạo ra sản phẩm và phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đồng thời, mô hình giảng dạy còn giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, tìm ra sản phẩm thân thiện môi trường để dần thay thế những sản phẩm hiện có, vốn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống.

MỸ HẠNH