Làm trong sạch bộ máy của Đảng - cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

08/07/2022 - 08:04

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 vào ngày 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng và nhà nước quan tâm. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, công tác này được triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, đúng nguyên tắc. Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tiếp tục có chuyển biến tích cực, từ đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân với Đảng, nhà nước.

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, báo cáo của Bộ Chính trị nêu rõ, trong 10 năm qua, cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Đặc biệt, thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, Tổng Bí thư cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. “Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại”- Tổng Bí thư khẳng định.

Điều này bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Tổng Bí thư nêu rõ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Tổng Bí thư cho rằng, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả… Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng”.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, yêu cầu xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu. Tổng Bí thư nhắn nhủ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Bí thư lưu ý, phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai... Tổng Bí thư mong tất cả các cán bộ “rường cột” của Đảng và nhà nước, những “Bao Công” của thời đại ngày nay, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu.

M.T