Theo BBC, bản quét hình ảnh 3D kích thước đầy đủ đầu tiên của tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.800m dưới Đại Tây Dương được tạo bằng bản đồ biển sâu.
Bản quét cung cấp chế độ xem 3D cho phép nhìn thấy toàn bộ con tàu dưới đáy biển. Những hình ảnh này được các nhà khoa học kỳ vọng có thể làm sáng tỏ thêm những gì từng xảy ra với con tàu vào năm 1912.
Cho đến nay hầu hết các giả thuyết cho rằng Titanic gặp sự cố khi va phải một tảng băng trôi trên Đại Tây Dương trên hành trình từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ). Hơn 1.500 người đã thiệt mạng khi con tàu gặp nạn.
Tình trạng hiện tại của xác tàu Titanic sau hơn 100 năm chìm dưới đáy đại dương (Ảnh: Magella/Atlantic Productions).
"Vẫn còn những câu hỏi cần được trả lời về tai nạn tàu Titanic", Parks Stephenson - một chuyên gia về vụ đắm tàu Titanic nói với BBC. Ông cho biết hình ảnh 3D này là "một trong những bước quan trọng đầu tiên để thúc đẩy câu chuyện Titanic hướng tới nghiên cứu dựa trên bằng chứng - chứ không phải suy đoán."
Xác tàu Titanic trở thành nơi khám phá của nhiều đoàn nghiên cứu khi nó được phát hiện vào năm 1985. Tuy nhiên con tàu này quá lớn và vùng biển nó bị đắm ở độ sâu lớn. Những hình ảnh gần đây chỉ cho thấy một phần nào đó về tình trạng của Titanic sau 111 năm.
Bản quét 3D cung cấp góc nhìn toàn cảnh về con tàu Titanic. Xác tàu gồm hai phần: mũi tàu và đuôi tàu cách nhau khoảng 800m. Một khoảng trống với nhiều mảnh vụn khổng lồ bao quanh con tàu bị gãy đôi.
Quá trình quét hình ảnh 3D Titanic được thực hiện vào mùa hè năm 2022 bởi Magellan Ltd - một công ty chuyên thiết lập bản đồ biển sâu và Atlantic Productions, công ty đang làm phim tài liệu về dự án.
Chưa từng có bức ảnh nào trước đây có thể cho thấy các chi tiết của xác tàu Titanic như những bức ảnh mới được công bố (Ảnh: Magella/Atlantic Productions).
Các tàu lặn được điều khiển từ xa bởi một đội trên tàu chuyên dụng đã dành hơn 200 giờ để khảo sát chiều dài và chiều rộng của xác tàu. Họ chụp hơn 700.000 hình ảnh từ mọi góc độ, tạo ra bản tái tạo 3D chính xác.
Theo chuyên gia Gerhard Seiffert - người đứng đầu kế hoạch quét 3D hình ảnh tàu Titanic của Magellan cho biết, đây là dự án quét 3D dưới nước lớn nhất mà ông từng thực hiện.
"Vị trí của con tàu nằm ở độ sâu gần 4.000 m và đó là thách thức, có dòng chảy tại địa điểm này và chúng tôi không được phép chạm vào bất cứ thứ gì để không làm hỏng xác tàu", ông Seiffert giải thích.
"Thách thức khác là bạn phải lập bản đồ từng centimet vuông - ngay cả những phần không thú vị, như trên mảnh vụn, bạn phải lập bản đồ bùn, nhưng đây làđiều này để lấp đầy toàn bộ vị trí xác tàu”, ông Seiffert nói thêm.
Chuyên gia Parks Stephenson, người nghiên cứu bề Titanic trong nhiều năm cho biết ông "choáng váng" khi lần đầu tiên nhìn thấy các bản quét 3D của con tàu.
"Nó cho phép bạn nhìn thấy toàn bộ xác tàu Titanic mà bạn không bao giờ có thể nhìn thấy nó từ một chiếc tàu lặn, dự án này cho phép chúng ta xác định tình trạng thực sự của con tàu", Stephenson nói.
Việc nghiên cứu các bản quét có thể mang lại cái nhìn sâu sắc mới về những gì xảy ra với Titanic vào đêm định mệnh năm 1912.
Mũi tàu Titanic bị chìm năm 1912 nằm dưới đáy đại dương (Ảnh: Magella/Atlantic Productions).
"Chúng tôi thực sự không hiểu rõ chi tiết của vụ va chạm với tảng băng trôi. Chúng tôi thậm chí còn không biết liệu con tàu có va phải nó dọc theo mạn phải như trong các giả thuyết hay không hoặc nó có thể đã va phải phần trên tảng băng trôi", ông Stephenson giải thích .
Ông nói thêm, việc nghiên cứu đuôi tàu có thể tiết lộ cơ chế làm thế nào con tàu chạm đáy biển.
Hy vọng bản quét có thể tiết lộ thêm về những gì đã xảy ra vào đêm tàu Titanic bị mất tích.
Biển đang gây thiệt hại cho xác tàu, vi khuẩn đang ăn mòn nó và các bộ phận đang phân hủy. Các nhà sử học nhận thức rõ ràng không còn nhiều thời gian để nghiên cứu về thảm họa này.
Tàu Titanic bị chìm sau khi đâm vào một tảng băng trôi vào rạng sáng ngày 15/4/1912 trong chuyến đi đầu tiên từ Southampton, Anh đến thành phố New York, Mỹ. Thảm kịch dẫn đến cái chết của hơn 1.500 hành khách và tiếp tục là một trong những đề tài gây chú ý cho đến ngày nay.
Theo THẢO ANH(VTC News/BBC)