Để tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách Nhà nước, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp (DN) thanh toán số, không dùng tiền mặt.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 887 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố nhằm tổ chức tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, như: Tạo tài khoản cá nhân trên cổng dịch vụ công, VNeID và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Pay, Viettel Money...). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang và Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh ký kết phối hợp và triển khai kế hoạch thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Kho bạc Nhà nước, các trường học, bệnh viện, điện lực, công ty cấp nước… thực hiện các chính sách thu hộ, khuyến khích khách hành thực hiện giao dịch trực tuyến trong các hoạt động: Thanh toán viện phí, học phí, ăn uống, mua sắm, du lịch…
Thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Ngoài ra, còn triển khai giới thiệu các chính sách, sản phẩm của ngân hàng liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, như: Lazada, Shopee, Tiki… để tạo sự đa dạng, tiện ích, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán của khách hàng. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân và các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trạm xăng dầu… sử dụng dịch vụ mua, bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình: Chợ 4.0, chợ thanh toán không dùng tiền mặt, tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt... ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhờ hình thức thanh toán đa dạng nên ngày càng nhiều người dễ dàng tiếp cận và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Lũy kế đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.716.529 người có tài khoản giao dịch qua ngân hàng, có 143.622 ví điện tử được phát triển. Chị Nguyễn Thị Hà Ngân (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Bây giờ, các cửa hàng kinh doanh, chợ có quy mô vừa và lớn, hầu hết có mã QR thanh toán, chấp nhận chuyển khoản. Tại những điểm buôn bán nhỏ lẻ, như: Quán cà-phê, đồ ăn vặt, tiệm sửa xe gắn máy… dễ dàng bắt gặp mã QR, số tài khoản được dán sẵn một góc để khách hàng thuận tiện trong việc thanh toán”.
Chị Lâm Thị Phương Trinh (chủ quán ăn ở TP. Châu Đốc) cho biết: “Từ ngày được địa phương triển khai thí điểm chọn hộ hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mã QR, khách hàng ủng hộ rất nhiều. Chỉ cần quét mã QR là có thể trả tiền thuận tiện, tôi không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách. Với phương thức thanh toán này, cả người bán và người mua hàng đều không sợ nhầm lẫn tiền, an toàn, tiện lợi”.
Anh Lê Bảo Huy (huyện Phú Tân, nhân viên giao hàng công nghệ) cho biết: “Tôi thấy giao đơn hàng cho 10 người thì có đến 7 người chuyển khoản thanh toán. Tôi thích kiểu thanh toán này, vì không phải kiểm đếm tiền mặt, không lo phải đem tiền nhiều bên người và nhầm lẫn khi trả tiền dư”.
Không chỉ trong kinh doanh, thương mại, dịch vụ, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được người dân sử dụng khi thực hiện các giao dịch với cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Chị Trần Thị Phương Quỳnh (TP. Long Xuyên) cho biết: “Từ khi chính quyền địa phương trang bị sẵn mã QR tại bộ phận “một cửa”, tôi thấy rất tiện lợi và hài lòng. Tôi không cần phải đóng tiền mặt mỗi khi đến làm hồ sơ thủ tục hành chính”.
Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đem lại thuận lợi cho người dân. Đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, chị Nguyễn Thị Trúc Đào (huyện Châu Thành) cho biết: “Thanh toán viện phí qua ngân hàng rất tiện lợi, nhanh chóng, tôi không cần mang theo nhiều tiền mặt. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán, tôi chỉ cần thao tác chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại là có thể nhanh chóng đóng viện phí”.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế mới hiện nay bởi những tiện ích mang lại. Tin rằng, đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều người trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Qua đó, góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
TRỌNG TÍN