Lan tỏa tình yêu nước của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số
13/05/2025 - 13:53
Trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của kỷ nguyên số và hội nhập toàn cầu, nhiều người lo ngại rằng giới trẻ ngày nay đang dần quên đi truyền thống, lơ là với giá trị dân tộc. Thế nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại: tình yêu nước không hề mai một trong giới trẻ mà nó chỉ đang được thể hiện bằng một cách mới, hiện đại và gần gũi hơn với đời sống thường nhật.
AA
Tình yêu nước không cũ đi, chỉ thay đổi cách thể hiện
Theo số liệu thống kê năm 2024, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng Facebook, 68 triệu người dùng TikTok và 62 triệu người sử dụng YouTube. Đáng chú ý, khoảng 94% trong số đó là giới trẻ, bao gồm sinh viên, trí thức, thanh niên - lực lượng nắm giữ vai trò quan trọng trong định hình xã hội số. Trong không gian mạng tưởng chừng thiên về giải trí, thế hệ Gen Z lại đang chủ động biến nơi đây thành diễn đàn sáng tạo để lan tỏa những giá trị văn hóa và thể hiện tinh thần yêu nước.
Các bạn sinh viên đại học trong màn đồng diễn thể hiện tình yêu quê hương đất nước.
Thu Vân, một người mẫu tự do tại TP Hồ Chí Minh, người thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông theo hướng nghệ thuật dân tộc, chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ, chúng ta có thể tiếp cận các bạn trẻ bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang... Chẳng hạn như các quán cafe dịp 30/4 vừa rồi đều trang trí treo cờ Tổ quốc, từ không gian đến cách làm bánh, pha chế đồ uống đều gợi nhắc về lịch sử dân tộc… Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại khiến giới trẻ cảm thấy gần gũi, dễ tiếp nhận hơn là các bài học khô khan”.
Sự lan tỏa của văn hóa truyền thống trên mạng xã hội cũng được thể hiện rõ trong thói quen tiêu dùng và giải trí của giới trẻ. Bạn Phương Quyên, sinh viên Đại học Hutech chia sẻ: “Mỗi người có cách tiếp cận văn hóa truyền thống khác nhau. Mình thường xem các clip trên TikTok nói về áo dài, các chương trình truyền hình thực tế như 'Hai ngày một đêm', nơi các nghệ sĩ trải nghiệm khám phá nhiều vùng đất, con người và truyền thống địa phương. Những nội dung đó giúp mình thêm yêu văn hóa dân tộc, thấy được chiều sâu của mỗi vùng miền”.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) vừa qua cũng đã khơi gợi, kết nối tình yêu nước giữa các thế hệ cha anh đi trước và các bạn trẻ.
Không dừng lại ở việc tiếp nhận, nhiều bạn trẻ còn chủ động sáng tạo nội dung mang đậm bản sắc dân tộc. Từ những video kể chuyện lịch sử bằng hoạt hình, đến các trào lưu mặc áo dài trên mạng, hay các bài nhạc remix từ dân ca... đều cho thấy tinh thần yêu nước đang được làm mới theo một cách sống động, gần gũi với thị hiếu của người trẻ hôm nay.
Sáng tạo văn hóa số - cách giới trẻ kể lại câu chuyện dân tộc
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự "nhập cuộc" tích cực của giới trẻ với hành trình gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc là các dự án sáng tạo văn hóa số. Trong đó, dự án "Trường Ca Kịch Viện" do nhóm bạn trẻ Gen Z thực hiện đã và đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Có thể nói đây là một “bảo tàng số” về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam, ứng dụng công nghệ để đưa người xem tiếp cận các loại hình như rối nước, chèo, cải lương, tuồng… một cách dễ hiểu và hấp dẫn.
Cách các bạn trẻ lan tỏa, quảng bá tình yêu quê hương đất nước đến với du khách quốc tế.
Không chỉ là nỗ lực cá nhân, đó còn là minh chứng cho tư duy trách nhiệm của giới trẻ trước di sản dân tộc. Thay vì chỉ bảo tồn theo cách thụ động, họ đã chủ động “số hóa” ký ức văn hóa bằng hình ảnh, âm thanh, dữ liệu, để truyền thống không nằm yên trong sách vở mà bước ra đời sống số - nơi mà mọi người trẻ đều có thể tiếp cận và lan tỏa.
Giảng viên môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam của Trường Đại học Văn Lang - Quách Thuyên Nhã Uyên nhận định: “Giới trẻ hiện nay có xu hướng đưa yếu tố văn hóa vào các chiến dịch truyền thông, thời trang, nghệ thuật thị giác… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc khai thác văn hóa truyền thống đòi hỏi sự hiểu biết và tôn trọng. Các bạn trẻ cần trang bị kiến thức học thuật và nhận thức sâu sắc để tránh tình trạng sử dụng sai lệch, vô tình làm méo mó di sản”.
Hình ảnh giới trẻ trong trang phục truyền thống của dân tộc.
Yêu nước không chỉ là biểu hiện vào ngày lễ lớn. Đó còn là cách hành xử thường ngày, từ việc ưu tiên sản phẩm Việt, cổ vũ đội tuyển quốc gia Việt Nam trong mỗi trận cầu quốc tế, tham gia các chiến dịch vì cộng đồng đến việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Nhà báo Đặng Sinh (Báo Thanh Niên) chia sẻ: “Yêu nước là một hành trình dài, là sự thấm nhuần giá trị văn hóa và lịch sử. Mỗi thế hệ có một cách thể hiện khác nhau. Với người trẻ, đó có thể là những video TikTok sáng tạo về bản sắc Việt, là sự hò reo trên sân bóng hay chỉ đơn giản là những dòng chia sẻ về truyền thống quê hương”.
Các bạn trẻ tham gia CLB thư pháp.
Sự kiện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua đã chứng kiến hàng nghìn bạn trẻ đổ ra đường hòa vào dòng người cổ vũ. Họ không cần ai kêu gọi, không cần ép buộc - đó là tình yêu nước rất tự nhiên, như một phần trong nhịp thở hàng ngày.
Trong kỷ nguyên số, tình yêu nước không còn giới hạn trong không gian lớp học hay nghi thức trang trọng. Giới trẻ Việt Nam đang chứng minh rằng họ không chỉ là người tiếp nhận di sản mà còn là người viết tiếp câu chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ và công cụ của thời đại mình. Những clip ngắn, bài nhạc, hình ảnh truyền cảm hứng về văn hóa, con người và đất nước chính là lời khẳng định mạnh mẽ rằng: yêu nước không lỗi thời - nó đang trở nên sống động hơn bao giờ hết trong thế hệ trẻ hôm nay.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: