Làng bó chổi Cồn Nhỏ nhộn nhịp sản xuất mùa Tết

23/12/2019 - 07:46

 - Điều vui nhất khi mọi người nhắc về làng chổi bông sậy Cồn Nhỏ ở xã Phú Bình (Phú Tân) là nơi đây hầu như không có mùa. Bởi, quanh năm cơ sở nào cũng tất bật lo đủ đơn hàng phân phối đi khắp các tỉnh, thành phố, thậm chí là xuất ngoại. Còn hàng trăm phụ nữ biến những giờ nhàn rỗi thành giờ kiếm tiền với đôi tay thoăn thoắt suốt buổi. Mùa Tết được tạm phân định trong hơn 1 tháng cuối năm, vì guồng quay của công việc được đẩy lên gấp hai, gấp ba.

Chị Huỳnh Thị Út có cơ sở hoạt động trên 20 năm, hiện nhận 6 lao động chính làm thành phẩm và hàng chục hộ làm theo công đoạn tại nhà. Chị Út cho biết, ngày thường cơ sở xuất đi 1.000 cây chổi, thời điểm này sức người phải làm gấp đôi, trong đó loại chổi có giá trung bình 20.000-25.000 đồng được tiêu thụ mạnh nhất. Sản phẩm chổi còn phân theo nhiều loại như: cán nhựa, cán trúc, bông sậy, bông cỏ, giá tiền theo yêu cầu loại bông, trọng lượng. Chỉ phân phối vào các chợ, siêu thị trong tỉnh nhưng số lượng làm ra không đủ. Do đơn đặt hàng nhiều, hầu hết cơ sở đều chủ động nguồn nguyên liệu gối đầu liên tục, nguồn bông và cán phải đảm bảo sẵn bất cứ lúc nào. “So giai đoạn trước, nghề bó chổi hiện nay khá hơn nhiều, thu nhập của lao động tăng lên đáng kể, trang trải được cuộc sống, nên tôi nối nghiệp gia đình đến giờ” - chị Út chia sẻ.

Hàng ngàn cây chổi được xuất ra thị trường mỗi ngày theo đơn đặt hàng cuối năm

Trong làng chổi truyền thống, hiện có khá nhiều hộ lập cơ sở lớn, truyền nghề đã qua 3 đời. Chưa có thương hiệu chung nên sản phẩm chủ yếu do từng cơ sở tìm đầu ra, và để đảm bảo giữ mối, uy tín cho riêng mình, mỗi nơi đều chú trọng chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh. Điển hình như hộ của bà Huỳnh Thị Bê, dù mới bắt nhịp sản xuất 5 năm nay, chổi bông sậy và bông cỏ của bà vẫn có thị trường ổn định. Bà Bê cho biết, làng nghề này có tiếng từ xưa nhờ chổi bông sậy, do nguồn nguyên liệu khan hiếm dần, đòi hỏi của thị trường về giá cả nên chổi bông cỏ phát triển hơn hẳn. Khách hàng của bà vẫn có khá đông người ưu ái đặt chổi làm từ bông sậy, bởi bông ít rụng, sử dụng bền, việc bó cũng tỉ mỉ hơn. Nếu chổi thường có giá 17.000-35.000 đồng/cây, chổi bông sậy phải đến 40.000-50.000 đồng/cây. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, gia đình bà chở sang Campuchia với số lượng 2.500 cây/chuyến/tuần để tiêu thụ. Bà Bê còn tự hào vì rất nhiều hộ ở Cồn Nhỏ không đất đai, chỉ dựa vào nghề làm chổi mà ổn định cuộc sống.

Chổi bó từ bông sậy truyền thống làm nên thương hiệu làng nghề

Xã Phú Bình hiện có 327 hộ sản xuất chổi, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động. Chổi bông cỏ và bông sậy ở Cồn Nhỏ không chỉ được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL mà còn “xuất ngoại” đi các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Maylaysia… theo đường tiểu ngạch. Từ tháng 11 (âm lịch), cả làng nghề hòa vào không khí tất bật, lao động dịp này cũng có thu nhập cao hơn. Thợ giỏi có thể bó được hàng trăm cây chổi mỗi ngày, kiếm được 200.000-400.000 đồng, thời gian linh hoạt từ 1 buổi, buổi rưỡi hoặc tự chọn công đoạn tại nhà.

Chị Trần Thị Diễm (người có thời gian bó chổi hơn chục năm nay) cho biết, công việc tính ra khỏe hơn so với phải làm thuê. Từ 4 giờ sáng chị Diễm đã đến cơ sở ngồi bó thành phẩm, đến hơn 1 giờ chiều về nhà lo công việc nội trợ gia đình. Còn theo chị Trần Thị Thúy, nghề này tuổi nào cũng làm được, phù hợp nhất với lao động nữ, thu nhập ổn định, nhiều người đi Bình Dương rồi cũng trở về gắn bó vì được ở gần gia đình, lo thêm việc trong nhà. Bình quân 1 ngày chị Thúy làm được 300.000 đồng, đủ trang trải sinh hoạt và lo cho con ăn học. Hàng năm, xã tổ chức lớp dạy nghề cho lao động có nhu cầu theo học và cấp chứng chỉ. Chủ các cơ sở cho biết, giá nguyên liệu năm nay tăng nhẹ nên giá chổi cũng “nhích” theo.

Nhờ khẳng định chất lượng, có tiếng lâu năm, làng chổi vẫn sung túc, được thị trường tin tưởng đón nhận, góp phần cho mùa Tết thêm xôm tụ và vui tươi.

MỸ HẠNH