Đây là những chiếc bè “nguyên thủy”, được dựng bằng cột gỗ, tole, dần ngả màu theo năm tháng. Tất cả sống hài hòa đúng với tính chất “thượng gia hạ lồng” (trên mặt nước là nhà, dưới nước là lồng nuôi cá). Sự sống cứ sinh sôi một cách âm thầm, bình yên như thế.
Một ngày, làng bè bỗng trở mình, không còn đơn điệu, buồn chán nữa. Mỗi căn bè bỗng tươi mới hơn, sinh động hơn, soi bóng xuống dòng nước. Tùy theo sở thích, gu thẩm mỹ của từng chủ bè mà căn bè được tô điểm bằng màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, hoặc tím.
Mảng màu này nằm đối lập với mảng màu kia, nhưng tổng thể lại hài hòa đến lạ. Mỗi căn bè còn được đánh số thứ tự, trở thành một mảnh ghép của bức tranh đầy màu sắc trên sông.
Chiếc áo mới giúp cả làng bè trăm hộ trở nên bắt mắt hơn, góp phần kích cầu du lịch, hướng mạnh về du lịch sinh thái, du lịch sông nước. Dẫu vậy, làng bè vẫn mang lại cảm giác rất bình yên, chẳng hề xô bồ xô bộn.
Cảm giác này xuất phát từ nhịp sống của người dân trong làng bè. Họ cần mẫn chăm sóc đàn cá dưới bè, gắn bó sâu nặng với nhịp đời sông nước, y hệt như bao thế hệ trước đó. Nhà là bè, bè là nhà…
Họ vẫn trồng hoa, vẫn trang trí căn bè y hệt như căn nhà trên mặt đất. Tiện nghi phục vụ đời sống sinh hoạt đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì.
Du khách có thể thoải mái ghé vào bè, cảm nhận không gian đặc trưng của loại nhà này. Một số chủ bè được khuyến khích mua bán quà lưu niệm, thổ cẩm Chăm cho du khách. Vì vậy, căn bè của họ còn rực rỡ sắc màu ở bên trong, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa riêng có của vùng biên giới An Giang.
Anh Nguyễn Thành Tâm đã quá quen thuộc làng bè, khi nhiều lần đưa khách tham quan. “Đa phần khách đến đây là người địa phương khác hoặc khách quốc tế, muốn trải nghiệm văn hóa sông nước của An Giang. Cuối tuần là thời điểm khách đông nhất. Họ được kết nối tuyến tham quan từ làng bè đến làng Chăm bên kia sông” – anh cho biết.
Bè nào cũng mang trong mình nặng trĩu sự sống, như: Cá he, cá ba sa, mè vinh... Mỗi mùa cá kéo dài 10 tháng, cũng là ngần ấy thời gian du khách được tự tay cho cá ăn, ngắm nhìn chúng quẫy mình mạnh mẽ.
Muốn đi ra làng bè, du khách có thể chọn chiếc xuồng nhỏ, chậm rãi “trôi” cùng bập bềnh sóng nước, hoặc ngồi tàu du lịch rộng rãi, mát mẻ. Số lượng khách đến tham quan không đông đúc, chỉ “lai rai”. Có lẽ nhờ vậy mà cảm giác “lãng du” càng thêm đậm nét.
Ngoài nuôi cá, anh Nguyễn Hữu Nghĩa (giữa) còn có thêm thu nhập từ khách du lịch. Chiếc bè của anh trở thành điểm đến thường xuyên của khách mỗi khi đến làng bè. Anh mạnh dạn mở thêm “nhà hàng” (chiếc tàu nhỏ thiết kế thành chỗ ăn uống), chuyên phục vụ ẩm thực miền sông nước, đặc biệt là “cá đủ món”. Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, anh mong muốn được đầu tư thêm một số dịch vụ, để nơi này ngày càng hấp dẫn du khách hơn.
Một mô hình thu nhỏ của căn bè được trưng bày, cho thấy rõ nét sinh hoạt “thượng gia hạ lồng”, sống chung với cá của người dân địa phương, hơn nửa thế kỷ bám trụ đầy thăng trầm. Nếu có dịp, hãy thử một lần lãng du về phía dòng nước, lắng nghe nhịp sống của làng bè sắc màu trên sông Châu Đốc.
GIA KHÁNH