Làng nghề bó chổi cọng dừa vào vụ Tết

26/01/2021 - 06:18

 - Làng nghề bó chổi cọng dừa (xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) những ngày này đang tất bật với công việc sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Người dân trong làng nghề ai cũng “chạy đua” với thời gian để sớm hoàn thành khối lượng công việc, nhiều hộ phải tranh thủ làm đến khuya để kịp tiến độ đơn hàng.

Nhộn nhịp vào mùa

Đến ấp Tây Bình A (xã Vĩnh Chánh) những ngày cuối năm sẽ cảm nhận không khí tất bật, hối hả của những người thợ làm nghề bó chổi cọng dừa nơi đây. Dọc 2 bên đường, hình ảnh những người phụ nữ tay thoăn thoát bên những bó cọng dừa, kèm theo đó là tiếng dao chặt cây, tiếng cười nói… vang cả một vùng.

Tận mắt chứng kiến quá trình hoàn thành 1 cây chổi mới thấy được sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Cô Trần Thị Thiện (sinh năm 1965, người có gần 30 năm kinh nghiệm làm nghề bó chổi) cho biết, một cây chổi muốn hoàn thành phải trải qua nhiều công đoạn, như: buộc mái chổi, bó cán chổi, tề chổi thành sản phẩm hoàn chỉnh... Tất cả các khâu đều làm bằng thủ công nên người thợ mất nhiều công sức, thời gian mới hoàn thành. Với kinh nghiệm của mình, mỗi ngày cô Thiện làm khoảng 20 cây chổi.

Nghề bó chổi hoạt động quanh năm, nhưng tất bật nhất là dịp cận Tết

Cô Thiện chia sẻ: “Nghề bó chổi cọng dừa dễ làm, không kén thời gian nên sau khi làm xong công việc nhà tôi mới bắt đầu làm chổi. Nghề bó chổi hoạt động quanh năm, nhưng “sôi động” nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán hàng năm. Đây là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm cho những người làm nghề, nên ai cũng tranh thủ tối đa thời gian để sản xuất. Nhiều hộ phải thức đến 1-2 giờ sáng để kịp đơn hàng”.

Nguyên liệu chính để làm chổi là cọng dừa được lấy từ Bến Tre. Chị Trần Thị Chỉ (một trong những người phân phối cọng dừa tại địa phương) cho biết, từ tháng 6-7 hàng năm chị bắt đầu nhập cọng dừa với số lượng nhiều hơn ngày thường để bán lại cho người dân. Theo chị Chỉ, để làm được 1 cây chổi cần phải mất trên 500-600gr cọng dừa (tùy theo loại chổi). Những ngày cận Tết, giá nguyên liệu có phần nhích lên. Tuy nhiên, số lượng vẫn không đủ cung cấp cho người dân.

Duy trì phát triển

Hiện nay, nghề làm chổi cọng dừa ở xã Vĩnh Chánh đang phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Được biết, nghề làm chổi cọng dừa được hình thành và phát triển cách đây khoảng 30 năm. Thời gian đầu chỉ có một vài hộ sản xuất. Dần dần, thấy ăn nên làm ra nên các hộ lân cận học hỏi, làm theo. Khoảng năm 2010, nghề làm chổi cọng dừa được công nhận làng nghề. Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy (người đại diện làng nghề bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh) cho biết, làng nghề hiện có trên 150 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, đa phần những lao động là chị em phụ nữ. Trung bình 1 ngày, mỗi lao động có tay nghề cao sẽ làm được từ 20-22 cây, nếu ít hơn cũng từ 10-12 cây.

Hiện tại, chổi cọng dừa tại làng nghề có 3 loại, gồm: chổi đặt, chổi thường và chổi nhỏ. Giá chổi dao động khoảng 17.000 - 25.000 đồng/cây. “Bình quân, mỗi lao động có thu nhập từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Từ đó giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, công việc làm chổi khá đơn giản nên trẻ em và người lớn tuổi đều có thể tham gia nên đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương” - cô Thủy chia sẻ.

Nghề bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương

Nhờ sản phẩm làm ra chất lượng nên uy tín ngày càng tăng, sản phẩm làm ra được nhiều người lựa chọn, đầu ra ổn định, thương lái tin tưởng và đặt hàng nhiều hơn. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là: An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ,  Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Đặc biệt hiện nay, sản phẩm chổi cọng dừa đã được công nhận nhãn hiệu tập thể: chổi cọng dừa Vĩnh Chánh. Việc công nhận nhãn hiệu tập thể đã góp phần tạo nên thương hiệu chung cho làng nghề, giúp mặt hàng chổi cọng dừa được nhiều nơi biết đến và có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Để tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ các hộ dân trong làng nghề. Thông qua các chương trình, như: cho vay với lãi suất thấp, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm… đã giúp người dân chủ động được nguồn vốn thu mua nguyên liệu, nâng cao tay nghề, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích