Đề cao giáo dục quyền con người

25/12/2024 - 06:00

 - “Thời gian qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn” - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Trong kỷ nguyên mới, quyền con người càng được quan tâm sâu sắc

Thực hiện Quyết định 1309/QĐ-TTg, ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg, ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là đề án). Theo đó, việc triển khai thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác. Các sản phẩm của đề án được xã hội hóa đã đến với người học và công chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hiệu quả đào tạo về quyền con người trong các các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị và sau đại học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tại An Giang, UBND tỉnh rất coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục quyền con người, nhất là trong các cơ sở giáo dục. Cụ thể, ban hành Kế hoạch 149/KH-UBND về việc thực hiện Quyết định 1309/QĐ-TTg, ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm từng bước đưa công tác giáo dục quyền con người đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Theo đó, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành giáo dục xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản để triển khai thực hiện Kế hoạch 82/KH-SGDĐT, ngày 21/5/2018 về việc nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện nhiều công việc về công tác giáo dục nhân quyền trong trường học và các cơ sở dạy nghề, giáo dục thường xuyên…

Qua đó, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các hội thảo, tập huấn trực tuyến và trực tiếp về giáo dục nhân quyền để tích hợp vào các môn học có liên quan, 100% giáo viên giáo dục công dân và giáo dục kinh tế và pháp luật cấp THCS, THPT môn được tập huấn về phương pháp dạy học lồng ghép về quyền con người do Bộ GD&ĐT và đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngành GD&ĐT phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho 523 cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giáo dục nhân quyền; phối hợp Trung tâm Tạo nguồn Nhân lực và Phát triển cộng đồng của Trường Đại học An Giang tổ chức khóa bồi dưỡng tập huấn cho 116 giáo viên môn giáo dục công dân cấp THPT về kỹ năng dạy học tích hợp giáo dục phòng, chống tham nhũng và tích hợp lồng ghép giáo dục quyền con người qua môn học.

Ngành GD&ĐT còn chỉ đạo Hội đồng cốt cán môn giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật xây dựng các chuyên đề về giáo dục nhân quyền qua môn học theo nội dung của khung phân phối chương trình môn học. Tổ chức hội thảo về chuyên môn, trong đó lưu ý rút kinh nghiệm về tổ chức dạy học lồng ghép giáo dục quyền con người để mang lại hiệu quả tốt nhất. Sở LĐ-TB&XH đã cử 8 cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường trung cấp, cao đẳng tham dự lớp tập huấn về quyền con người do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đánh dấu bước ngoặt không chỉ thay đổi về nhận thức mà còn bằng hành động thực tiễn, nhằm thúc đẩy tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam lên tầm cao mới. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quyền con người của Việt Nam thể hiện ở: Được bảo đảm quyền con người, được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh. Đối với việc triển khai đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tham gia Ban điều hành đề án, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho năm 2025, bảo đảm thực chất, không hình thức, chủ nghĩa thành tích…

SONG MINH