Làng nghề đan đát xã Long Giang

21/07/2021 - 06:28

 - Nghề đan đát xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) dù trải qua biết bao thăng trầm của thời gian nhưng vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Nghề này không phụ người có lòng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Nghề “trăm tuổi”

Nghề đan đát xã Long Giang được hình thành và phát triển cách đây khoảng 100 năm, tập trung ở 2 ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Tổ trưởng Làng nghề đan đát Long Giang Đinh Hùng Cường cho biết, làng nghề sản xuất các mặt hàng, như: rổ, thúng, xề… Trong đó, mặt hàng thúng được chia thành nhiều loại, như: thúng 5 lít, 10 lít, 20 lít và 40 lít; giá bán dao động từ 33.000-100.000 đồng/cái. Đối với xề được chia làm 2 loại: loại lớn có giá 42.000 đồng/cái và loại nhỏ có giá 25.000 đồng/cái (giá bán cho thương lái). Mỗi sản phẩm có thể sử dụng từ 5-10 năm.

Mục sở thị quy trình làm ra các sản phẩm mới thấy được sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Nguyên liệu chính để làm ra những sản phẩm gần gũi trên chủ yếu bằng tre và trúc. Việc chọn lọc nguyên liệu tre, trúc kỹ lưỡng nên các sản phẩm chắc và bền.

Theo ông Cường, cây tre, trúc quá già sẽ giòn, dễ gãy, khó uốn. Còn những cây tre còn non sẽ không được dẻo dai, dễ bị mối mọt cắn phá, mau hư hỏng. Theo ông Cường, để làm ra 1 sản phẩm phải trải qua ít nhất 10 công đoạn, như: tách, chẻ, vót, gài, đan đát, lận, nứt...

“Hiện nay, trong làng nghề có sự phân chia các công đoạn cho nhiều người cùng làm nên sản phẩm làm ra rất nhanh. Hơn hết, việc phân chia lao động giúp tạo ra sản phẩm đồng đều, dễ bán hơn” - ông Cường chia sẻ.

Làng nghề nhạy bén trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm

Năm 2007, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công An Giang, làng nghề đan đát xã Long Giang đã xây dựng được thương hiệu riêng. Từ đó, các sản phẩm của làng nghề ngày càng được thị trường chấp nhận. Ông Cường chia sẻ: “Làng nghề đan đát xã Long Giang trên đà phát triển ổn định. Thông qua địa chỉ website của làng nghề, nhiều khách hàng chủ động liên hệ với chúng tôi để đặt hàng nên sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không có tình trạng tồn đọng”.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề rất rộng, khắp các tỉnh ĐBSCL, như: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cho đến xuất khẩu sang Campuchia. Trong đó, có đến 80% sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương lái nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo.

“Các loại thúng được tiêu thụ mạnh từ khoảng tháng 10 (âm lịch) trở đi, do đây là thời điểm vào vụ thu hoạch lúa ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các loại sản phẩm khác, như: rổ, xề… bán chạy vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch). Đây là thời điểm mùa nước nổi, người dân mua các sản phẩm để đựng và đánh bắt cá” - ông Cường chia sẻ.

Giải quyết việc làm lao động nông thôn

Làng nghề đan đát xã Long Giang hiện có khoảng 130 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 450 lao động ở địa phương. Ngoài ra, có 6 cơ sở chuyên thu mua, phân phối sản phẩm ra thị trường. Tùy từng công đoạn, mỗi lao động có thu nhập từ 40.000-150.000 đồng/ngày.

Cái hay của nghề là hầu như ai cũng có thể tham gia. Những công việc nặng nhọc, như: chặt tre, chẻ thanh do cánh đàn ông đảm nhận. Các công việc đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mẩn thì phụ nữ sẽ tham gia. Đối với các em nhỏ, sau thời gian đi học có thể phụ giúp cha mẹ thông qua các công việc đan đát, cạo vỏ… Tuy thu nhập không nhiều, nhưng giúp các em có thêm thu nhập, trang trải chi phí học hành.

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, thời gian gần đây, Làng nghề đan đát xã Long Giang có nhiều đổi mới, cải tiến mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều cơ sở trong làng nghề đã phát triển thêm các sản phẩm, như: thúng, rổ có kích thước nhỏ hơn, phục vụ nhu cầu của khách du lịch hay để trang trí ở các hàng quán, khu du lịch…

Bà Lê Kim Hà (chủ một cơ sở trong làng nghề đan đát xã Long Giang) cho biết, so với các sản phẩm truyền thống, các mặt hàng phục vụ du lịch đòi hỏi công lao động và tính tỉ mỉ cao hơn. Ngược lại, các mặt hàng này được nhiều du khách thích thú. Điều đặc biệt, giá mặt hàng này rất phải chăng, dao động khoảng 35.000 đồng/cái. Bình quân mỗi tháng, cơ sở bán khoảng 200 cái.

Nhờ chất lượng sản phẩm ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn nên Làng nghề đan đát xã Long Giang vẫn duy trì phát triển. Hiện nay, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên hoạt động kinh doanh bị chựng lại. Tuy nhiên, người dân vẫn lạc quan, hy vọng đến khi hết dịch, làng nghề đan đát xã Long Giang tiếp tục sôi động như thời gian trước.

ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích