Lao động tự do khó khăn giữa đại dịch

25/08/2021 - 06:26

 - Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến lao động của mọi ngành nghề. Trong đó, lao động tự do chịu tác động rất lớn vì không có quyền lợi “cứu cánh” như những lao động có hợp đồng. Vốn đã chật vật với cuộc sống khó khăn, nay họ càng chồng chất nhiều nỗi lo, chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, trông chờ tình hình dịch bệnh ổn định để quay trở lại nhịp sống thường ngày.

Chính quyền địa phương, nhà hảo tâm san sẻ khó khăn với lao động nghèo trong đại dịch COVID-19

Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến lao động của mọi ngành nghề. Trong đó, lao động tự do chịu tác động rất lớn vì không có quyền lợi “cứu cánh” như những lao động có hợp đồng. Vốn đã chật vật với cuộc sống khó khăn, nay họ càng chồng chất nhiều nỗi lo, chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, trông chờ dịch bệnh ổn định để quay trở lại nhịp sống thường nhật.

Hàng ngày, anh Phạm Thanh Toàn sống trong khu trọ chật hẹp ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) chỉ có chiếc điện thoại bầu bạn, liên tục lướt web xem tin tức và hỏi thăm về các nguồn hỗ trợ đối với lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Hai tháng nay thất nghiệp, quanh quẩn trong phòng. Cơm nước hàng ngày đã có địa phương, các đoàn từ thiện giúp đỡ, không sợ thiếu đói. Nhưng lao động nghèo như tụi tôi vẫn còn lo nhiều thứ khác, không biết dịch bệnh kéo dài tới ngày nào, còn gánh nặng từ gia đình, con cái, những chi phí từ trước và sau khi mất việc làm chưa tính hết nổi. Tôi biết tình hình đang rất khó khăn, nhưng vẫn mong có chính sách hỗ trợ phần nào cho lao động thất nghiệp trong lúc này” - anh Toàn trình bày.

Hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Hùng (huyện Phú Tân) cũng khó khăn không kém. Đã gần 60 tuổi nhưng ông vẫn chạy xe lôi đạp để kiếm tiền, lo cho vợ đang bị bệnh tai biến và 2 đứa con tuổi đi học. Ông Hùng còn có 2 đứa con lớn lập gia đình nơi xa, làm thuê đủ sống qua ngày, đợt dịch này cùng… thất nghiệp như nhau. Trước đây, mỗi ngày ông Hùng kiếm được khoảng 150.000 đồng, thu nhập không cao nhưng vẫn xoay sở trang trải sinh hoạt. Từ khi ở nhà, ngoài nương nhờ hỗ trợ từ nhà hảo tâm, ông phải vay nợ để lo thuốc thang cho vợ và những phát sinh khác…

Trong xã hội, những người được gọi là “lao động tự do” rất đa dạng, thường làm các công việc không ổn định, nhỏ lẻ và thu nhập bấp bênh. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, những “lao động tự do” xác định phải tự thắt chặt chi tiêu, bởi ngoài trang trải tự nuôi thân, rất nhiều người còn là lao động chính trong nhà, nuôi con nhỏ, người thân đau ốm. Nhiều lao động phải xa quê, sống ở thành thị để dễ mưu sinh hơn thì nay giữa đại dịch lại thêm gánh nặng tiền trọ, việc làm sau dịch. Nhiều lao động cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, họ phải làm thêm rất nhiều công việc theo kiểu “ai thuê gì làm nấy” để có tiền.

Từ thời điểm thực hiện giãn cách xã hội thì khó khăn nhiều hơn. Những lao động trẻ vẫn cố gắng kiếm được chút thu nhập nhờ việc làm trực tuyến, trong khi người lớn tuổi chỉ quen lao động chân tay, giờ đành ở một chỗ chờ dịch đi qua. Để chia sẻ phần nào khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng quà, nhu yếu phẩm đến với những người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Món quà không lớn nhưng đủ khiến họ ấm lòng!

Nhằm hỗ trợ cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cụ thể hóa từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1856/QĐ-UBND để trích nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác triển khai việc hỗ trợ từ nay đến hết ngày 31-12-2021.

Theo đó, mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng và hỗ trợ 1 lần. Đây là một trong những chính sách mà NLĐ tự do đang trông chờ nhất để giảm bớt khó khăn vượt qua đại dịch. Nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo Quyết định 1856/QĐ-UBND, gồm: người làm các nghề, công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; người thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; những người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa (bằng xe gắn máy 2 bánh, xe thô sơ, xe ba gác); lái xe môtô 2 bánh (xe ôm), xe lôi chở khách. Những lao động tự làm hoặc làm thuê trong các lĩnh vực: cơ sở ăn uống, giải khát, lưu trú (phục vụ bàn, đầu bếp, phụ bếp, lễ tân, tạp vụ); làm đẹp (cắt tóc, uốn tóc, làm móng); chăm sóc sức khỏe (massage bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu); xây dựng (thợ hồ, phụ hồ).

UBND tỉnh giao cho UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chi hỗ trợ cho NLĐ. UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia triển khai và thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện. Để hỗ trợ khẩn trương, chính xác, không bỏ sót, các địa phương đã thông báo rộng rãi bằng nhiều hình thức đến người dân ở địa bàn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các địa phương đang khẩn trương rà soát, một số huyện đã có kết quả thống kê ban đầu về số lao động tự do trên địa bàn. UBMTTQVN tỉnh đã ban hành công văn về giám sát việc hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, các cấp MTTQ tăng cường vận động, đoàn kết để cùng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của từng địa phương.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích