Lập “đỉnh mới”, xăng dầu tạo sức ép tăng giá hàng hóa

12/03/2022 - 08:20

Giá dầu thế giới liên tục tăng cao, đặc biệt là xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine cùng với những hệ lụy từ lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga khiến nguy cơ “đứt gãy” nguồn cung xăng dầu ngày càng hiện hữu.


Người dân mua xăng tại cây xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Theo dữ liệu thống kê, Nga hiện đang đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu mỏ, chiếm khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, dầu thô của Nga không thể xuất khẩu sẽ khiến thị trường bị thiếu hụt khoảng 10 triệu thùng/ngày; qua đó đã đẩy giá nhiên liệu thế giới tăng cao, có thời điểm chạm mốc 150 USD/thùng.

Áp lực tăng giá

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua sáu lần tăng giá liên tiếp, với tổng mức tăng 6.530 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 6.430 đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và tiếp tục có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới. Việc tăng giá “sốc” này không chỉ khiến doanh nghiệp, người dân lo lắng mà ngay cả những cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên” bởi càng bán càng bị lỗ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận (đơn vị quản lý cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Xiển-Xa La, Hà Nội) cho biết, do giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến việc kinh doanh ngày càng khó khăn. Hiện mỗi lít xăng chỉ được chiết khấu 240 đồng, số tiền này chỉ đủ trả chi phí đưa xăng dầu về cửa hàng còn các chi phí khác như nhân công, kho bãi, phí hao hụt,... doanh nghiệp đều phải tự lo. Việc này kéo dài vài tháng nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu, hỗ trợ tăng phí chiết khấu, ít nhất 700 đồng/lít xăng để doanh nghiệp bảo đảm đủ định mức, duy trì hoạt động.

Chung quan điểm, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Ô-tô vận tải Hà Tây (đơn vị quản lý cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) Hoàng Thị Lệ Mỹ khẳng định, việc tăng giảm giá xăng dầu hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng và biến động cung cầu thế giới. Tuy nhiên, giá tăng cao nhưng tỷ lệ chiết khấu không tương xứng, thậm chí là thấp như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh. Càng bán nhiều sẽ càng bị thua lỗ. Chỉ tính riêng từ Tết Nguyên đán tới nay, đơn vị phải gánh khoản lỗ lên tới gần 700 triệu đồng.

Chẳng riêng gì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hàng loạt ngành hàng, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nhiên liệu như vận tải hàng hóa, kinh doanh ta-xi,... cũng đang trông chờ tín hiệu thị trường để điều chỉnh tăng giá cước. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, các hãng vận tải hiện rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi giá xăng tăng cao, nếu không tăng giá cước

thì doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ. Còn tăng giá cước đủ bù chi phí thì doanh nghiệp lại đối mặt với tình trạng “mất khách” trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhu cầu vận chuyển của người dân sụt giảm.

Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Nguyên Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, giá xăng dầu tăng 10% làm lạm phát tăng 0,36%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI hai tháng đầu năm tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước, việc tăng giá xăng dầu làm CPI chung tăng tới 1,63 điểm phần trăm. Cùng với giá cả nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu khác tăng đột biến, áp lực lạm phát cả năm sẽ rất lớn. Do đó, Nhà nước phải thông qua các công cụ để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, đặc biệt cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Chủ động đủ nguồn hàng

Đề cập tới việc đề xuất giảm các loại thuế phí nhằm “kìm giá” xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Theo đó, đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít; dầu đi-ê-den, dầu ma-dút, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít.

Đồng thời, đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2022. Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm; và từ đó, tác động làm giảm thu ngân sách (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) khoảng 31.938 tỷ đồng/năm. Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-4 thì số giảm thu ngân sách vào khoảng 23.954 tỷ đồng.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công thương khẳng định, cung xăng dầu sẽ được đáp ứng đủ trong tháng 3. Trong quý II, Bộ đã phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để bảo đảm cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Bộ Công thương cũng tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho sáu tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải có trách nhiệm thực hiện nhập khẩu không thấp hơn sản lượng xăng dầu được giao bổ sung, đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo về Bộ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hằng tháng.

Do thị trường xăng dầu đang có nhiều biến động, ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu trong nước, để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu thời gian tới, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...

Trường hợp phát hiện có sai phạm, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, địa phương, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn. Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới; đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành về công tác điều hành xăng dầu; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Nhân dân