Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Kiên Giang). (Ảnh TRẦN TUẤN)
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022. Tỷ trọng tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát cao và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nguồn cung cấp tôm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, năm 2023, tôm là mặt hàng Nhật Bản giảm nhập khẩu mạnh nhất từ hầu hết các thị trường, với mức giảm 9,4% về lượng, đạt 212,4 nghìn tấn. Giá nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2023 trung bình ở mức 9,6 USD/kg, giảm 1,4% so với năm 2022.
Mặc dù Việt Nam giữ vững vị trí là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, nhưng là thị trường có mức giảm về lượng lớn thứ 2 sau Nga, giảm 13,2% so với năm 2022, đạt 132.000 tấn. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 7,8% năm 2022 xuống còn 7,1% trong năm 2023.
Còn theo thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm các loại lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong năm 2023, nhưng lại là thị trường có trị giá nhập khẩu giảm mạnh nhất, giảm tới 81,4% so với năm 2022, đạt 112,8 triệu USD.
Nhập khẩu tôm các loại của Trung Quốc từ Việt Nam giảm mạnh do nhập khẩu tôm hùm giảm tới 96,8%, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh giảm 65,8%. Do đó, Việt Nam từ vị trí là thị trường cung cấp tôm nước ấm đông lạnh lớn thứ 3 cho Trung Quốc đã giảm xuống vị trí thứ 5 trong năm 2023.
Ngoài ra, các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc cũng giảm nhập khẩu thủy sản năm 2023, trong đó có sản phẩm tôm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhập khẩu thủy sản của Mỹ giảm mạnh từ 30 tỷ USD năm 2022 xuống còn khoảng 25,3 tỷ USD vào năm 2023. Xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2023 của Việt Nam đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Tại thị trường Hàn Quốc, thị phần thủy sản Việt Nam giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023.
Mặc dù xuất khẩu tôm ghi nhận mức giảm sâu tại nhiều thị trường trong năm 2023, nhưng năm 2024 đang mở ra triển vọng tăng trưởng mới. Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: Năm 2023, công ty là nhà cung cấp tôm Việt Nam hàng đầu cho Nhật Bản, lớn thứ 5 cho Mỹ và thứ 9 cho Hàn Quốc. Công ty có kế hoạch tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản, duy trì các thị trường đang có và chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, công ty có 3 nhà máy và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn, sản lượng cung cấp dự kiến hơn 16.000 tấn/năm. Về sản phẩm, năm 2024, công ty cải tiến đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi…
Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bà Phùng Thị Kim Thu-chuyên gia thị trường tôm thông tin: Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường trọng điểm đang có xu hướng tăng ngay từ đầu năm 2024. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 1/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ tốt dần, cùng với nhu cầu tiêu thụ cao hơn của người dân là tiền đề cho sự tăng trưởng năm 2024. Hay tại thị trường Canada, thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phục hồi do nhu cầu tiêu thụ của nước này được dự báo sẽ tăng trong vòng 5 năm tới, riêng năm 2024, doanh thu thủy sản của Canada có thể sẽ đạt 4,79 tỷ USD và sẽ tăng trưởng bình quân 4,9%/năm.
“Tuy nhiên, để gia tăng thị phần tại các thị trường trong năm 2024, doanh nghiệp cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng mới. Cụ thể như Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh, tôm hùm đá và các loại tôm biển khác, tôm hùm đông lạnh; trong khi tăng nhập khẩu tôm hùm tươi/sống/ướp lạnh, tôm khô/muối/hun khói/ngâm nước muối và các loại tôm chế biến. Còn tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Đây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủy sản ăn liền đã qua chế biến và bộ sản phẩm nấu ăn tiện lợi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu”-bà Phùng Thị Kim Thu lưu ý thêm.
Theo TIẾN ANH (Báo Nhân Dân)