Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng, trái đất và mặt trời nằm thẳng hàng với nhau. Mặt trăng đi vào vùng bóng tối của trái đất và chuyển dần sang màu đỏ nhạt, sau đó là đỏ thẫm. Vì vậy, hiện tượng này còn được gọi là “trăng máu”.
Toàn bộ quá trình nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 15h02 (giờ Hà Nội) chiều mai (8/11) với pha nửa tối, kết thúc vào 20h56 (giờ Hà Nội).
Nguyệt thực toàn phần chiều tối mai (8/11) là sự kiện thiên văn đáng mong đợi nhất năm nay.
Trong đó, nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 17h16, đạt cực đại lúc 17h59. Pha toàn phần kết thúc vào lúc 18h41, nguyệt thực một phần kết thúc lúc 19h49 và nguyệt thực nửa tối kết thúc 20h56.
Lần nguyệt thực toàn phần này có thể quan sát trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tại Hà Nội, mặt trăng mọc lúc 17h12 tại TPHCM, mặt trăng mọc lúc 17h22.
Về lý thuyết, các khu vực trên cả nước có thể quan sát toàn bộ pha toàn phần. Tuy nhiên thời điểm này, Mặt Trăng mới mọc nên khó quan sát. Thời điểm quan sát rõ nhất ở nước ta từ 18h, khi nguyệt thực đạt cực đại.
Không giống như nhật thực, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường, thú vị hơn nữa nếu có ống nhòm hay kính thiên văn. Người quan sát nên chọn khu vực thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Lưu ý xem dự báo thời tiết nếu quan sát.
Dự báo sau lần nguyệt thực này, phải chờ đến tháng 9/2025, người yêu thiên văn Việt Nam mới có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần.
Theo VTC