
Trái dâu ở Phụng Hoàng Sơn từ lâu vốn nổi tiếng
Phụng Hoàng Sơn có khí hậu mát mẻ quanh năm. Tận dụng điều kiện thời tiết, nhiều nông dân đã phát triển các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, nổi bật trong đó có cây dâu da xanh và dâu Gia Bảo, thay thế cho các loại dâu rừng trước đây.
Gia đình anh Đỗ Thanh Tòng (ấp Tô Trung) đang sở hữu khoảng 60 gốc dâu da xanh. Phần diện tích này trước đây là cây tạp, được gia đình anh chuyển đổi để trồng cây dâu và cây sầu riêng. Anh Tòng cho biết, do địa hình núi cao, hiểm trở nên cây dâu phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên. Bên cạnh, nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù, nên dâu ít bị sâu bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như không có. Nhờ vậy, dâu xanh của gia đình anh Tòng cũng như nhiều hộ lân cận được ưa chuộng bởi sự an toàn.
Cách nhà anh Tòng không xa là vườn dâu Gia Bảo gần 20 năm của gia đình anh Trần Hoàng Mê. Chính nhờ trồng cây dâu đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.
Theo anh Mê, cây dâu trên Phụng Hoàng Sơn bắt đầu ra hoa khoảng tháng 11 (âm lịch), đến tháng 4 (âm lịch) bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài 1 tháng. Sau khi thu hoạch, trái dâu được vận chuyển xuống chân núi và cân bán ngay cho thương lái hoặc bán tại vườn phục vụ du khách phương xa.
“Với 600 gốc dâu, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, những năm thất mùa, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Đối với cư dân vùng núi, đây là mức thu nhập khả quan. Ngoài ra, cây dâu có thể trồng xen canh với các loại cây trồng khác, nên có thể tạo thu nhập liên tục” - anh Mê chia sẻ.
Ngoài ra, cư dân khu vực núi Cô Tô còn trồng thêm dâu bòn bon (dâu da vàng) để góp phần đa dạng sản phẩm, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường. Nếu như dâu Gia Bảo phục vụ chủ yếu thị trường nội địa thì dâu bòn bon chủ yếu bán qua thị trường Campuchia. Dù phục vụ cho đối tượng nào cây dâu cũng giúp nhiều hộ nông dân núi Cô Tô có cuộc sống ổn định nhiều năm qua.
Tại khu vực núi Dài (ở xã Ba Chúc), nông dân đang tất bật vào vụ thu hoạch sầu riêng. Ông Đào Văn Đua, một trong những nông dân tiên phong trong việc đưa loại cây trồng này về Ngọa Long Sơn cho biết, sầu riêng nơi đây năng suất và chất lượng không thua sản phẩm trái cây miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang, Bến Tre...
Hiện nay, gia đình ông Đua canh tác khoảng 7 công đất vườn, trồng các loại cây ăn trái, như: Bơ, sầu riêng (Ri 6, Monthong), bưởi da xanh… bình quân mỗi năm, thu nhập từ vườn cây ăn trái mang về cho gia đình ông từ 70 - 100 triệu đồng.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng thích hợp, nên không chỉ sầu riêng mà nhiều loại cây ăn trái khác đã phát triển tươi tốt trên núi Dài. Tuy nhiên, loại quả thật sự thơm ngon, được nhiều người chờ đón thời điểm này là sầu riêng, bơ. Theo nhiều nhà vườn, thời tiết năm nay tuy có những đợt nắng, mưa thất thường, nhưng nhìn chung vẫn bảo đảm để thu về mùa quả ngọt.
Ông Nguyễn Hùng Dũng cho biết, hiện gia đình ông đang sở hữu vườn bơ với số lượng hơn 200 gốc. Mùa bơ ở núi Dài bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 8 hàng năm. Vì bơ là loại trái được nhiều người ưa thích, nên người trồng bơ ở núi Dài rất ít khi bị ép giá và thất thu. Những hộ trồng nhiều bơ được thương lái tìm đến tận vườn thu mua hái trái.
Cũng như nhiều nông dân khác trên núi Dài, trước đây, gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng trồng bơ sáp. Vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nên phát triển thêm giống bơ 034, diện tích khoảng 2ha. Anh Hùng cho biết, giống bơ này không kén đất, có giá trị kinh tế cao, năng suất từ 50 - 60kg quả/cây, chiều dài quả từ 20 - 30cm. Đặc biệt, giống bơ này được nhiều người ưa chuộng nên gia đình anh đảm bảo được thu nhập.
Nông dân trên Phụng Hoàng Sơn và Ngọa Long Sơn canh tác theo hướng “thuận thiên”, không sử dụng nhiều phân hóa học, nên đã thỏa mãn nhu cầu lựa chọn các loại trái cây tươi ngon, bổ dưỡng, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần tạo nên những nét đặc trưng, thu hút du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn trái.
ĐỨC TOÀN