Lịch sử vùng Tứ giác Long Xuyên

05/08/2024 - 07:10

 - Tứ giác Long Xuyên (TGLX) với vị trí là một khu vực địa - kinh tế quan trọng ở miền Tây Nam Bộ. TGLX hiện nay có diện tích tự nhiên 498.14ha, thuộc 3 địa phương: An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ. Quá trình hình thành khu vực này đã lưu dấu công lao của nhiều bậc tiền nhân.

Theo TS Lâm Quang Láng (Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang), TGLX là một khu vực có địa hình tự nhiên khá đặc biệt ở ĐBSCL. Địa hình cao độ thấp dần từ phía bắc xuống nam, giới hạn bởi vùng Thất Sơn phía bắc, sông Hậu phía đông và bờ biển phía tây. Phía nam là đồng bằng ngập nước kéo dài về bán đảo Cà Mau, sau này được giới hạn bởi kênh Cái Sắn nối sông Hậu (An Giang) với Biển Tây qua vàm Rạch Sỏi (Kiên Giang). TGLX là tên gọi rút gọn của vùng đất với 4 đỉnh là các đô thị tỉnh lỵ Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá sau khi Pháp đổi các hạt tham biện thành tỉnh từ năm 1900...

Việc định hình, định danh cùng các chương trình khai thác vùng TGLX là cả một quá trình lâu dài, phức tạp kéo dài hàng trăm năm, kể từ năm 1757 cho đến khi danh xưng ra đời lần đầu tiên vào năm 1978. Theo TS Lâm Quang Láng, trên thực địa, có thể nó đã bắt đầu từ khi Thoại Ngọc Hầu cho đào vét con kênh nối liền ngọn Tam Khê với ngọn Giá Khê làm thông cảng đạo Đông Xuyên ra Biển Tây vào mùa Xuân năm 1818, nhất là khi kênh Vĩnh Tế (1819 - 1824) hoàn thành nối liền Châu Đốc - Hà Tiên. Vùng tứ giác đã dần rõ nét khi có nhiều thôn ấp mới mọc lên ven bờ kênh, dân định cư nhiều hơn, đất đai khai khẩn nhiều.

Ngày nay, Tứ giác Long Xuyên là vùng đất đai trù phú, nông nghiệp phát triển thuận lợi

Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã tập trung đào, vét các kênh rạch ở khu vực phía nam. Một công trình giao thông thủy-bộ lớn từ Long Xuyên vào vùng Bảy Núi hoàn thành vào năm 1920 là kênh đào từ Cần Đăng vào Tri Tôn dài trên 20km, nối rạch Mặc Cần Dưng với sông Hậu. Tháng 2/1922, kênh Cái Sắn khởi công đến tháng 9/1923 thì hoàn thành, rộng 30m, dài 58km nối sông Hậu với Rạch Sỏi, thông ra Biển Tây, và năm 1931 Lộ Tẻ Cái Sắn đi Rạch Sỏi cũng hoàn thành...

“Đến thời điểm này, vùng TGLX đã định hình bước đầu từ 3 cạnh. Sông Hậu ở phía đông dài hơn 100km nối Châu Đốc với Long Xuyên; kênh Cái Sắn ở phía nam dài 58km nối Long Xuyên với Rạch Giá, và ở phía bắc kinh Vĩnh Tế dài 87km nối Châu Đốc với Hà Tiên đã có từ 100 năm trước” - TS Lâm Quang Láng chia sẻ.

Cũng theo TS Lâm Quang Láng, cạnh còn lại của khu vực TGLX là bờ biển phía tây. Từ năm 1924, người Pháp chính thức nghiên cứu khu vực này nhằm khai thác một vùng rộng lớn bao gồm phía bắc do rạch Giang Thành và kênh Vĩnh Tế, phía đông do dãy núi Cô Tô, phía nam do con đường bộ Tri Tôn Rạch Giá và phía tây do con đường bộ Rạch Giá - Hà Tiên.

Vùng này có diện tích hơn 220.000ha, thường bị ngập quanh năm, bị phủ đầy cỏ cao, lau sậy và cây tràm. Mặc dù, đất có độ phì nhiêu cao nhưng nếu không có hệ thống thủy lợi thì không thể nào khai thác được khoảng 20.000ha đất được canh tác bên bờ các sông rạch và khu gần các dãy núi…

Đến năm 1926, dự án tổng thể đã được phê duyệt. Đó là việc nạo vét, đào một con kênh phát triển song song với bờ biển chạy từ Rạch Giá đến Hà Tiên, đồng thời đào thêm 4 kênh ngang thẳng góc với kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Mục đích nhằm tiêu úng, rửa phèn nội vùng cũng như tiếp nhận nguồn nước ngọt từ sông Hậu trong mùa khô hạn.

Kênh Rạch Giá - Hà Tiên và các kênh ngang bắt đầu thi công vào cuối năm 1926, bao gồm các kênh: Mặc Cần Dưng, Ba Thê, Rạch Giá - Hà Tiên, Tám Ngàn, Hà Giang; kênh Ba Thê - Cái Sắn; kênh Bốn Tổng, kênh Núi Sập - Ba Thê, kênh 10 Châu Phú… Đến lúc này, TGLX đã chính thức định hình là một vùng địa - kinh tế quan trọng của khu vực.

Tại tỉnh An Giang, từ năm 1988, chính quyền địa phương thực hiện chính sách khai thác vùng TGLX, bắt đầu từ huyện Thoại Sơn, Châu Thành và tiếp theo là các xã ở Tri Tôn, Tịnh Biên. Từ năm 1988 đến 1993, tỉnh đã đào đắp 37 triệu m3 đất; đã xây dựng trên 300km đường điện, 860km đường bộ và 841 cây cầu nông thôn; trên 11.000ha đất hoang được khai thác trồng lúa, trồng tràm... Từ năm 1993 - 1998, có thêm nhiều công trình thủy lợi quan trọng, vừa có tác dụng dẫn nước, vừa có tác dụng tiêu thoát lũ như các công trình kênh T4, T5, T6, nạo vét kênh Vĩnh Tế, Tám Ngàn, Trà Sư...

Đặt biệt, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng kênh T5 đã mang lại ý nghĩa to lớn đối với vùng đất An Giang nói chung, huyện Tri Tôn nói riêng. Công trình đã đưa nước ngọt nhiều phù sa vào sâu TGLX, hạn chế ngập lụt dân cư, ngăn và thoát lũ ít phù sa ra Biển Tây.

Đồng thời, giúp rửa phèn, cải tạo đất khai hoang và tưới tiêu cho 16.000ha đất sản xuất trong vùng. Kênh T5 cùng với các công trình thoát lũ ra Biển Tây khác như đập tràn Trà Sư, Tha La... đã làm thay đổi bộ mặt TGLX, từ vị trí là “rốn phèn” của ĐBSCL, đã vươn mình trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước. Hơn nữa, khu vực này còn giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, là cầu nối giao thương giữa Việt Nam với Campuchia cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong.

Để ghi nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì đã cho xây dựng con kênh, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ra nghị quyết về chính thức đặt tên là Kênh Võ Văn Kiệt.

MINH ĐỨC