Liên hợp quốc kêu gọi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu

18/02/2021 - 14:30

Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 8 giờ sáng, ngày 18-2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 110.417.619 ca mắc và 2.439.763 ca tử vong do Covid-19. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần xây dựng kế hoạch toàn cầu về tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Guardian)

Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 8 giờ sáng, ngày 18-2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 110.417.619 ca mắc và 2.439.763 ca tử vong do Covid-19. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần xây dựng kế hoạch toàn cầu về tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 390.881 ca mắc và 11.289 ca tử vong do Covid-19.

Trong đó, Mỹ dẫn đầu về số ca mắc mới với 70.763 ca, theo sau là các nước: Brazil (57.295 ca), Pháp (25.018 ca), Nga (12.828 ca); Ấn Độ, Anh, Italy ghi nhận hơn 12 nghìn ca,…

Về số ca tử vong mới do Covid-19 trong một ngày, Mỹ dẫn đầu với 2.486 ca, theo sau là Mexico (1.329 ca), Brazil (1.195 ca), Anh (738 ca),…

Cũng theo số liệu của Worldometers đến 8 giờ sáng, ngày 18-2 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 85.314.061 ca bệnh Covid-19 được chữa khỏi; số ca đang được điều trị là 22.663.795 ca, trong đó có 96.025 ca trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần xây dựng kế hoạch toàn cầu về tiêm vaccine ngừa Covid-19, đồng thời đề xuất Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn dắt nỗ lực này. Tuyên bố trên được đưa ra trong bài phát biểu khai mạc phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng ngoại giao của Hội đồng Bảo an LHQ về vaccine được tổ chức trực tuyến ngày 17-2.

Ông Guterres cảnh báo, đến nay chỉ 10 nước đã tiêm được 75% số liều vaccine ngừa Covid-19 trong khi 130 nước và vùng lãnh thổ chưa triển khai chương trình tiêm chủng vaccine loại này. Người đứng đầu LHQ khẳng định: "Vào thời khắc khó khăn như hiện nay, vấn đề phân phối công bằng vaccine Covid-19 là phép thử lớn nhất về đạo đức mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt. Chúng ta phải bảo đảm mọi người, mọi nơi có thể được tiêm phòng càng sớm càng tốt”.

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, thế giới cần khẩn trương đưa ra một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để tập hợp tất cả những người có quyền lực, chuyên môn khoa học, năng lực sản xuất và tài chính cần thiết. Ông Guterres cho rằng, G20 đang ở "vị thế tốt nhất" để lập một đội đặc trách về việc chuẩn bị một kế hoạch như vậy, cũng như điều phối việc tài trợ và triển khai các chương trình tiêm phòng toàn cầu.

Ông Guterres cũng bày tỏ sẵn sàng huy động cả hệ thống LHQ ủng hộ cho kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 toàn cầu và cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào cuối tuần này có thể tạo động lực để huy động những nguồn lực tài chính cần thiết.

Ngày 17-2, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của Liên hiệp châu Âu (EU) thông báo đã đạt một thỏa thuận mua thêm 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Moderna (Mỹ) trong năm nay, tăng gần gấp đôi số liều vaccine mà EC đăng ký mua từ công ty công nghệ sinh học này của Mỹ cho năm 2021.

Theo thỏa thuận, EU còn có thể lựa chọn mua thêm 150 triệu liều vaccine nữa của hãng Moderna cho năm 2022.

EC cho biết, với thỏa thuận mới này, EU đã mua đủ 2,6 tỷ liều vaccine của sáu hãng sản xuất vaccine trong khi dân số của EU là 450 triệu người.

Cũng trong ngày 17-2, Ấn Độ tuyên bố sẽ cung cấp vaccine ngừa Covid.-19 cho tất cả nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tức là gần 95.000 binh sĩ thuộc 12 phái bộ trên thế giới.

Hồi đầu tháng 2, giới chức Ấn Độ cho biết, nước này đang nghiên cứu phát triển thêm bảy loại vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh vaccine Covishield của AstraZeneca (Anh) và Covaxin của nước này. Trong số bảy vaccine nói trên có ba loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và hai loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ, sáng 18-2 (giờ Việt Nam).

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

Mỹ: 28.452.983 ca mắc, 502.493 ca tử vong
Ấn Độ: 10.949.546 ca mắc, 156.038 ca tử vong
Brazil: 9.979.276 ca mắc, 242.178 ca tử vong
Nga: 4.112.151 ca mắc, 81.446 ca tử vong
Anh: 4.071.185 ca mắc, 118.933 ca tử vong
Pháp: 3.514.147 ca mắc, 83.122 ca tử vong
Tây Ban Nha: 3.107.172 ca mắc, 66.316 ca tử vong
Italy: 2.751.657 ca mắc, 94.540 ca tử vong
Thổ Nhĩ Kỳ: 2.609.359 ca mắc, 27.738 ca tử vong
Đức: 2.362.352 ca mắc, 67.074 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

Indonesia: 1.243.646 ca mắc, 33.788 ca tử vong
Philippines: 553.424 ca mắc, 11.577 ca tử vong
Malaysia: 272.163 ca mắc, 1.005 ca tử vong
Myanmar: 141.690 ca mắc, 3.192 ca tử vong
Singapore: 59.821 ca mắc, 29 ca tử vong
Thái Lan: 24.961 ca mắc, 82 ca tử vong
Việt Nam: 2.329 ca mắc, 35 ca tử vong
Campuchia: 479 ca mắc
Brunei: 185 ca mắc, 03 ca tử vong
Timor-Leste: 102 ca mắc
Lào: 45 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

Bắc Mỹ: 32.597.553 ca mắc, 725.308 tử vong
Châu Âu: 32.594.523 ca mắc, 778.427 ca tử vong
Châu Á: 24.231.352 ca mắc, 388.145 ca tử vong
Nam Mỹ: 17.133.912 ca mắc, 446.841 ca tử vong
Châu Phi: 3.808.887 ca mắc, 99.944 ca tử vong
Châu Đại Dương: 50.671 ca mắc, 1.083 ca tử vong

Theo Nhân Dân