Ngoài ĐBSCL, hàng hóa của An Giang đang có được chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường đầy tiềm năng, như: TP. Hà Nội, miền Trung, Tây Nguyên... và một số nước lân cận. Việc hỗ trợ các DN và cơ sở tham gia các kỳ hội chợ góp phần rất lớn trong quảng bá, đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa thế mạnh của tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, những tháng đầu năm 2023, đơn vị đã kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển giao thương, giúp DN An Giang quảng bá, tìm kiếm đối tác thị trường nội địa. Cụ thể, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch với TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Tuyên Quang, Ninh Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp…
Qua đó, góp phần đưa đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của An Giang đến với thị trường tiềm năng tại Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc và thành phố lớn trong cả nước. Đồng thời, hỗ trợ kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.
An Giang tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại với các địa phương tiềm năng
Thông qua những sự kiện này, DN An Giang có điều kiện kết nối với đối tác trong, ngoài nước nhằm phát triển thị trường. Đây cũng là dịp để sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến khách hàng. Đặc biệt, Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang 2023 thu hút trên 400 gian hàng của 143 DN đến từ 17 tỉnh, thành phố và các DN Campuchia, là cú hích cho hoạt động giao thương biên mậu của tỉnh, tạo đà để sản phẩm An Giang thâm nhập thị trường Campuchia và mở rộng ra các nước ASEAN.
Tỉnh còn phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức thành công Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại năm 2023 khu vực phía Nam tại TP. Châu Đốc, do Bộ Công Thương và UBND tỉnh chủ trì, có sự tham gia của lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm XTTM&ĐT trên 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
An Giang còn phối hợp cơ quan thương mại của tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia) triển khai các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới. Qua đó, tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm An Giang sang thị trường Campuchia, như: Tổ chức đoàn công tác khảo sát và kết nối giao thương giữa DN An Giang và DN Campuchia; kết nối trực tiếp với DN, nhà phân phối, siêu thị tại Campuchia để trao đổi thông tin, chào sản phẩm, nhu cầu mua bán sản phẩm qua lại của 2 nước.
Hàng năm, kết nối với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh, nhằm liên kết, hợp tác các đoàn DN An Giang và các DN Campuchia kết nối giao thương và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh An Giang. Vừa qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân và Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng Nguyễn Văn Khánh đã chủ trì tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà phân phối tỉnh An Giang với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tỉnh Lâm Đồng”.
Tại hội nghị, các nhà phân phối, DN 2 tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu về sản phẩm, nhu cầu và mong muốn của mình để thúc đẩy kết nối. Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng Nguyễn Văn Khánh mong muốn, các DN 2 tỉnh tiếp tục tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm những cơ hội hợp tác hướng tới mục tiêu cung cấp những sản phẩm có chất lượng tại 2 địa phương.
Kết quả, 9 DN, nhà phân phối An Giang đã ký 17 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với 11 DN tỉnh Lâm Đồng để tiến tới đàm phán và thực hiện các bước tiếp theo. Sở Công Thương, Trung tâm XTTM&ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang và Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng đã ký kết biên bản ghi nhớ về mở rộng hợp tác.
“Đây là cơ hội giúp các DN An Giang và Lâm Đồng cùng tiếp cận, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, có sự điều chỉnh, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, trở thành nhà cung cấp chiến lược cho các hệ thống phân phối của 2 tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân chia sẻ.
Trước đó, Trung tâm XTTM&ĐT tỉnh An Giang phối hợp Siêu thị Tứ Sơn tổ chức đoàn làm việc với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng để trao đổi công tác phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023.
Dự kiến quý IV/2023, sẽ tổ chức sự kiện Tuần hàng nông sản, đặc sản vùng miền tỉnh An Giang tại TP. Đà Lạt. Qua đó, sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản An Giang, tổ chức Hội nghị kết nối giao thương ngành hàng nông sản giữa DN 2 tỉnh, góp phần đưa đặc sản, sản phẩm OCOP của An Giang đến với thị trường tiềm năng tại Tây Nguyên.
Cũng trong hoạt động hợp tác giao thương, cuối tháng 4/2023, Trung tâm XTTM&ĐT An Giang phối hợp Sở Công Thương Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa 2 tỉnh. Hội nghị đã thu hút 25 DN và phân phối đến từ 2 tỉnh, cùng giao lưu và trao đổi các thông tin về khả năng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk Lưu Văn Khôi đánh giá cao kết quả đạt được trong việc phối hợp hỗ trợ DN, giúp kết nối, tiêu thụ, phân phối nhiều sản phẩm tại thị trường 2 tỉnh. Theo đó, các DN An Giang và Đắk Lắk đã ký kết 13 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.
HẠNH CHÂU