Liên kết phát triển nghề nuôi trồng rong nho ở Khánh Hòa

01/12/2021 - 15:55

Sử dụng giống rong nho, công nghệ tách nước rong nho theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm rong nho “made in” Khánh Hòa đã có thị trường ngày càng mở rộng. Nhờ đó, thu nhập và đời sống người trồng rong nho trong tỉnh được nâng lên.

Rong nho được nuôi trồng nhiều nhất tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) từ năm 2004, đây cũng là thủ phủ của rong nho Việt Nam. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Đến thăm cơ sở chế biến, đóng gói rong nho của người được mệnh danh là “vua” rong nho ở Khánh Hòa tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, chúng tôi choáng ngợp bởi quy mô sản xuất ở đây. Từ khu vực nuôi, hàng chục công nhân mỗi người mỗi việc, chăm sóc, vớt rong vào sơ chế. Anh Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc Công ty D&T cho biết, khu vực này chỉ là công đoạn gần cuối cùng trong quy trình sản xuất một sản phẩm rong nho đạt tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)…          

Cùng với cơ sở tại đây, anh Duy còn có 30 ha trang trại trồng rong nho ở các địa phương trong tỉnh và liên kết với 70 ha trồng rong nho của nông dân của phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa; thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Tổng diện tích nuôi đến nay gần 100 ha. Các vùng nuôi dưỡng rong nho của anh Duy đã được các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, công nhận là vùng cho ra sản phẩm rong nho có giá trị và chất lượng cao.          

Kể về quá trình phát triển từ năm 2010 khi chỉ có 3 ha, anh Duy cho biết, rong nho (tên khoa học: Caulerpa lentillifera) du nhập từ Nhật Bản vào nước ta từ năm 2004. Rong nho có thể được trồng như trong môi trường tự nhiên của chúng - các vùng biển thích hợp có độ mặn từ 28 -35 phần ngàn. Rong sống ở vùng nước cạn và yên tĩnh, hoặc trong các ao đầm và cả trong lồng, trên dây treo ngoài biển. Việc trồng rong nho rất đơn giản, không phải cung cấp thức ăn cho cây, bởi rong nho hấp thu chất dinh dưỡng từ môi trường nước xuyên qua các “nhánh” và “lá” này để phát triển. Từ phần “thân, nhánh” ấy mọc ra các lá có hình tròn, đường kính khoảng 2 mm như quả nho thu nhỏ. Rong nho thường phát triển nhanh trong điều kiện nuôi theo quy trình khép kín. Một đợt nuôi kéo dài từ 20 – 30 ngày là có thể thu hoạch. Thời gian nuôi tốt nhất vào thời điểm có nắng, tránh mùa mưa vì nước biển sẽ bị loãng độ mặn.           

Anh Duy chia sẻ, những năm đầu tiên chuyển từ công việc làm dược phẩm sang nuôi trồng và phát triển rong nho, anh gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là người dân chưa biết đến rong nho và cách trồng, thứ hai là thị trường chưa tiếp nhận sản phẩm, đầu ra rất khó. Đến năm 2014, một đoàn chuyên gia người Nhật Bản đã đến vùng nuôi Ninh Hải để thăm và kiểm nghiệm (theo chương trình hợp tác). Họ đánh giá rong nho tại Ninh Hải có chất lượng tốt không thua gì rong nho tại Okinawa của Nhật Bản. Vì vậy, phía Nhật Bản đề nghị xuất khẩu sang chính đất nước Nhật Bản. Thời gian sau, theo chương trình đi học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị đối tác sản xuất rong nho, anh đã đến tận Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và tìm hiểu quy trình, để bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.    

Đến năm 2021, anh Duy đã xuất khẩu sang hai thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ với trung bình 40 tấn rong nho/tháng, tháng cao điểm lên đến 150 tấn. Dù đã có tiếng ở nước ngoài, anh Duy rất mong sản phẩm chất lượng này được phục vụ người Việt. Thị trường nội địa thực sự bùng nổ khi ngành Du lịch phát triển mạnh vào giai đoạn 2018 - 2019.  Do đó, trong chiến lược phát triển dài hạn của mình, anh Duy định hướng phát triển sản phẩm rong nho gắn liền với du lịch, nghĩa là tạo điểm tham quan, trải nghiệm thực tế cho khách du lịch trong hành trình khám phá vùng đất Khánh Hòa dừng chân cảm nhận, từ đó mua sắm các sản phẩm rong nho, định hình nên thương hiệu rong nho Khánh Hòa là sản phẩm đặc trưng của tỉnh.           

Giới thiệu tiếp về quy trình nuôi trồng, chế biến rong nho mà anh gây dựng và thực hiện trong suốt 10 năm qua, anh nhấn mạnh yếu tố làm rong nho ở Khánh Hòa có thương hiệu trên thị trường là vùng nuôi, nhờ vùng nuôi có độ mặn thích hợp, rong nho phát triển tốt, trái tròn, mập. Rong nho sau khi được thu hoạch ở ao, hồ tự nhiên sẽ được đưa vào nuôi cơ học trong các hồ nuôi tại nhà xưởng để rong đạt chất lượng tốt nhất. Tại hồ nuôi, nước được sử dụng là nước biển sâu trên 5 m rồi qua hệ thống lọc lắng RO và than hoạt tính và thêm 5 công đoạn khác nhau để loại bỏ các vi khuẩn có hại và giữ lại các vi khuẩn có lợi, cuối cùng công nhân sẽ phân loại rong nho theo kích thước rồi mới đến giai đoạn tách nước, đóng gói.    

Giai đoạn tách nước được áp dụng theo công nghệ Việt Nam, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài (HACCP, ISO, FDA…). Anh đã kết hợp với các giáo sư, tiến sĩ các viện nghiên cứu để cho ra quy trình sản xuất rong nho tách nước khác biệt. Một túi rong nho 100g với thành phần có 80g rong nho và chỉ 20 g nước muối, có thể bảo quản 1 năm.    

Điều hay nữa ở mô hình sản xuất rong nho của anh Duy chính là liên kết chuỗi, hợp tác cùng người nông dân để cùng đầu tư, phát triển nghề trồng rong nho. Anh Duy sẵn sàng ứng chi phí, giống cùng kỹ thuật trồng và nhận đầu ra sản phẩm cho người nông dân tham gia liên kết. Anh không hạn chế diện tích liên kết cùng bà con, càng nhiều người dân tham gia càng tốt. Với anh, hỗ trợ nông dân có việc làm ổn định cùng sự phát triển bền vững của nghề trồng rong nho là niềm vui và hạnh phúc.    

Anh Trần Như Hoàng, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa cho biết, tham gia trồng rong nho từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm anh không hề lo lắng. Tất cả đều được anh Duy thu mua với giá rất hợp lý. 3 ha rong nho anh đầu tư khoảng 300 triệu đồng với lưới nuôi sử dụng 2 năm. Mỗi năm, anh có thể lời hơn 350 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mức thu nhập này không cao bằng nuôi ốc hương, tôm thẻ, tôm hùm nhưng ổn định đầu ra do không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài như các loại thủy sản khác.    

Ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, là người đầu tiên đưa giống rong nho về Việt Nam năm 2004 và triển khai thí điểm đầu tiên tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ông cho biết, hiện nay, gần 10 tỉnh ven biển đã thí điểm và phát triển giống thủy sinh này như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Phú Yên, Bình Định, mới đây là Quảng Ninh cũng đã tiếp cận.

Ông đánh giá đây là ngành nghề nuôi biển có triển vọng, mang lại giá trị kinh tế, cần được phát triển đúng hướng theo kiểu nâng cao chất lượng, Tuy nhiên, việc phát triển nghề trồng rong nho cần chú ý cách làm, chú trọng hiệu quả sản phẩm. Người trồng rong nho nên thực hiện theo quy trình kỹ thuật của một số hộ, đơn vị đã trồng thành công để sản phẩm phát triển bền vững, lợi nhuận lâu dài tránh tình trạng rong nho trồng xong kém chất lượng, thiếu đầu ra làm sản phẩm này bị rớt giá, ảnh hưởng đến nghề nuôi rong nho về sau này.    

Theo PHAN SÁU (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích