Giám sát chặt người thu hoạch và người mua
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang còn gần 20.000 ha lúa hè thu đang thu hoạch rộ, tập trung ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Nếu cách nay một tuần, nông dân Hậu Giang lo thiếu máy gặt khi lúa hè thu chín rộ, thì nay thở phào, vì tiếng máy đã nổ vang trên những cánh đồng vàng. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt cho biết:
Ðịa phương còn khoảng 8.000 ha lúa hè thu đang thu hoạch rộ. Tuy nhiên, hiện nay nông dân không còn lo chuyện thiếu máy gặt, vì có sự điều phối qua lại giữa các địa phương.
Thu hoạch cá tra tại TP Cần Thơ. Ảnh: THANH TÂM
Giá lúa ở Hậu Giang giống OM 18 và OM 5451 là 5.800 đến 6.000 đồng/kg, thấp hơn từ 200 đến 300 đồng/kg so với giá đặt cọc trước đó. Anh Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Ðông, huyện Long Mỹ nói: "Theo hợp đồng giữa nông dân với thương lái, giá lúa OM 18 là 6.200 đồng/kg. Nhưng đến ngày cắt, thương lái cho rằng đi lại khó khăn do dịch COVID-19, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu chậm thu mua, cho nên đề nghị nông dân giảm giá. Nghĩ cũng xót, với năng suất 700 kg/công, nông dân mất 1,4 triệu đồng/ha. Nhưng, tiêu thụ lúa được trong thời điểm này đã là một sự nỗ lực".
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng, trước đây quy định trong thời gian giãn cách, người thu hoạch khi di chuyển vào vùng thu hoạch lúa phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực, kể cả khi có giấy xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng COVID-19. Ngoài ra, người thu hoạch phải bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch và không được đi nơi khác ngoài khu vực hoặc điểm thu hoạch đã đăng ký nơi đến. Trong quá trình thu hoạch, tất cả người tham gia phải bảo đảm 5K. Bên cạnh đó, chủ phương tiện máy cắt, máy kéo phải bảo đảm "3 tại chỗ" cho người thu hoạch đi cùng trong suốt quá trình cắt lúa tại khu vực đăng ký. Ðối với phương tiện và người thu mua cũng thực hiện tương tự, cho nên các chủ thể gặp khó, không thể tham gia thu hoạch và thu mua. "Thấy được cái vướng, Hậu Giang đã quyết định một số giải pháp linh hoạt. Tùy tình hình dịch bệnh từng thời điểm, từng khu vực mà "chặt", mà "lỏng", nhưng luôn có sự giám sát chặt của chính quyền địa phương. Vì vậy, lực lượng thu hoạch và thu mua đã tham gia được các khâu, giải quyết được bài toán tiêu thụ lúa hè thu", ông Trần Chí Hùng nói.
Nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Phùng Dũng
Lưu thông hàng hóa vào ban đêm
Kiên Giang có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu cả nước, đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu và các loại thủy sản. Vụ lúa hè thu 2021, toàn tỉnh gieo trồng hơn 281.800 ha, đã thu hoạch được 115.364 ha. Từ nay đến cuối tháng 8, diện tích lúa thu hoạch khoảng 78.000 ha, sản lượng ước đạt 436.000 tấn. Thời gian qua, thực hiện giãn cách, việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản ở Kiên Giang gặp khó khăn. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: Lúa, tôm, cua, sò, cá lồng bè… giảm giá mạnh, nhưng không thể tiêu thụ.
UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương thống kê sản lượng nông sản; ngành công thương, NN và PTNT liên kết tìm đầu ra; ngành giao thông vận tải phân luồng tạo điều kiện cho phương tiện, con người trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; ngành y tế hướng dẫn, hỗ trợ để nông dân đủ điều kiện tham gia thu hoạch, tiêu thụ nông sản… Ðặc biệt, Kiên Giang ban hành văn bản tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa. Theo đó, các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển hàng hóa, thiết bị, công cụ thu hoạch… được lưu thông từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, thương lái... ngoài tỉnh đuợc đến Kiên Giang thu hoạch, thu mua sản phẩm và những người thu mua được đi lại giữa các huyện, thành phố… Linh hoạt, nhưng tất cả phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Khai báo địa điểm đi và đến, theo phương châm "một cung đường, hai điểm đến" và phải có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Những ngày qua, việc tiêu thụ nông, thủy sản trong tỉnh có khởi sắc nhưng chưa đạt được như mong đợi. 20 điểm bán hàng bình ổn giá vẫn hoạt động; nhiều đơn vị cũng đang nỗ lực hỗ trợ nông dân, ngư dân tiêu thụ rau, củ, quả và hải sản, nhưng mỗi ngày chỉ được vài tấn. Một số địa bàn trong tỉnh đã có thương lái đến thu mua lúa, mỗi ngày thu hoạch và tiêu thụ được vài trăm héc-ta lúa hè thu. Kiên Giang đã thành lập tổ chỉ đạo liên kết với các địa phương trong vùng, kết nối với các đầu mối tiêu thụ để giúp nông dân tiêu thụ được nguồn hàng nông sản đã sản xuất trong thời điểm các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách.
Ðầu tư hệ thống bảo quản nông sản
Tại TP Cần Thơ, một số mặt hàng trái cây, thủy sản đang khó tiêu thụ, trong đó có mặt hàng dâu Hạ Châu và cá tra. Huyện Phong Ðiền đang vào thu hoạch rộ dâu Hạ Châu với sản lượng hơn 4.000 tấn nhưng không có thương lái đến mua, dâu chín rụng đầy gốc. Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền Nguyễn Trung Nghĩa: Huyện đang liên hệ với các đầu mối tìm đầu ra cho quả dâu Hạ Châu nhưng rất khó vì quả dâu không phải là mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Còn cá tra đến lứa thu hoạch tồn đọng hơn 750 tấn. Giá cá tra đã giảm trở lại, hiện loại từ 700 - 800 gam/con dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lỗ hơn 1.000 đồng /kg.
Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết: Các loại trái cây được kết nối tiêu thụ ở một số doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… nhưng số lượng hạn chế. Thị trường tiêu thụ nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc hoàn toàn vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Nam Bộ, nhưng do dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài cho nên trái cây tới vụ không thể bán ở thị trường trọng điểm này mà chỉ tiêu thụ tại chỗ. Hai ngành công thương và nông nghiệp các tỉnh trong vùng đang cố gắng tạo mọi điều kiện để bán sản phẩm cho nông dân nhằm giảm bớt khó khăn cho bà con, tiếp tục duy trì sản xuất.
Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc về vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do nhiều địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho nên việc thu mua nông sản trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề luồng xanh đường thủy. Sở NN và PTNT các tỉnh có thể phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí thực hiện, trên cơ sở như đã triển khai luồng xanh đường bộ, để hỗ trợ cho việc đi lại thu mua nông sản. Ðối với Tổ công tác 970, sớm hình thành cổng thông tin về kết nối cung - cầu nông sản để tiếp tục thực hiện việc kết nối mà không cần đến trực tiếp vùng sản xuất. Ở đó không chỉ có thông tin hàng hóa, người mua, người bán mà về lâu dài sẽ cập nhật cả thông tin thị trường, mã số vùng trồng… Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ lúa hè thu. Theo đó, các sở NN và PTNT nên đề xuất lãnh đạo tỉnh có cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại về vấn đề cho vay vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa. Mặt khác, Tổ công tác 970 lên kế hoạch làm việc với Tổng công ty lương thực miền nam để trao đổi sâu thêm về các vấn đề liên quan đến thu mua lúa gạo cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Bộ NN và PTNT cũng có cuộc làm việc, trao đổi với Tổng công ty lương thực miền bắc về vấn đề này để thực hiện hiệu quả chủ trương bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Theo Báo Nhân Dân