Linh hoạt thích ứng trong tình hình mới

21/01/2022 - 04:16

 - Với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được các cấp, ngành và nhân dân An Giang thực hiện nghiêm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp thường xuyên cập nhật văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế để triển khai kịp thời, hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện.

Đồng thời, căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch, UBND tỉnh An Giang chủ trương thực hiện biện pháp hành chính trên toàn tỉnh phù hợp tình hình, diễn biến thực tế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị. Qua đó, ghi nhận nỗ lực của các địa phương; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém trong tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, điểm nhấn trong công tác điều hành là tỉnh kịp thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động; tạo đà phát triển, được đánh giá rất cao. Từ đó, DN nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng các cấp, ngành và địa phương phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nổi bật, tỉnh kiểm soát tốt, khoanh vùng, truy vết và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng; thu dung, điều trị bệnh nhân. Thường xuyên kiểm tra điều kiện cách ly, quản lý, giám sát chặt chẽ trường hợp F0, F1 cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.   

Nhiều giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Khó khăn của tỉnh nằm ở chỗ, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người dân được di chuyển tự do từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn, cũng như di chuyển giữa các vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ.

Đồng thời, ý thức tự bảo vệ của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Bình quân 500 ca nhiễm/ngày, đỉnh điểm có ngày hơn 800 ca mắc. Tổng số người về từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh hơn 70.000 người, trong đó phát hiện hơn 1.600 người mắc COVID-19. Đây cũng là nguồn lây nhiễm lớn trong cộng đồng thời gian qua.

Theo ông Lê Văn Phước, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, nên trong 14 ngày qua, số ca mắc mới giảm (trung bình 150 ca mắc/ngày). Trường hợp tử vong cũng có chiều hướng giảm. Hiện tỉnh đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, vùng xanh). Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đầu tư 8 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 với 12 hệ thống Realtime RT-PCR, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Đến giữa tháng 1-2022, đã xét nghiệm 370.759 mẫu. Toàn tỉnh có 32 cơ sở điều trị với 4.156 giường bệnh, trong đó 150 giường bệnh tầng 3 điều trị bệnh nặng, nguy kịch; đã điều trị khỏi 31.883 trường hợp.

Điểm đột phá của tỉnh được Bộ Y tế đánh giá cao là quyết liệt, thần tốc trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân. Đến giữa tháng 1-2022, toàn tỉnh có 3.251.992 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,7%, mũi 2 đạt 97,4%, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 19,3%. Riêng trẻ em từ 12-17 tuổi, có 201.903 trẻ đã tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100,5%, mũi 2 đạt 93,4%.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại. Công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy chưa thống nhất, thiếu linh hoạt. Số lượng F0, F1 tăng cao, gây quá tải cho cơ sở cách ly và điều trị. Nhiều DN khó tuyển dụng lao động để khôi phục sản xuất; tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta gây áp lực lên hệ thống y tế, cùng với nguy hiểm chực chờ của biến chủng Omicron.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nhu cầu cung cấp khí ô-xy y tế để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 trở nặng rất cấp thiết. Hiện, bình quân 1 ngày An Giang tiêu thụ 28 tấn ô-xy, 1 tháng 700-800 tấn ô-xy. Tuy nhiên, hiện nay thiếu nguồn cung ứng ô-xy y tế, giá cả biến động theo chiều hướng tăng.

Tỉnh đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo DN cung cấp ô-xy đảm bảo cung ứng và bình ổn giá. Đồng thời, điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch theo hướng bỏ “tiêu chí số ca mắc trong cộng đồng, tỷ lệ vaccine” vì hiện nay tỷ lệ bao phủ vaccine đã đạt theo tiêu chí của Bộ Y tế; nên tập trung vào đánh giá tiêu chí “số trường hợp nhập viện, tử vong và khả năng đáp ứng của địa phương về số giường bệnh, đặc biệt là giường hồi sức tích cực”. 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU